MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch LĐLĐ Đồng Tháp Trần Hoàng Vũ (phải) tặng hoa thay lời cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã mang đến cho CB Công đoàn bài học bổ ích, thiết thực. Ảnh: Lục Tùng

Cán bộ Công đoàn phải có cả IQ, EQ và LQ

LỤC TÙNG LDO | 24/09/2020 06:19
“Hơn bất cứ ngành nào, tổ chức Công đoàn (CĐ) đang đứng trước áp lực lớn. Để đáp ứng tình hình mới, người làm công tác CĐ không chỉ có trí tuệ, mà còn phải có trí tuệ cảm xúc và trí tuệ lòng nhân ái” - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã chia sẻ như vậy với cán bộ CĐ tỉnh Đồng Tháp tại buổi nói chuyện vào chiều 21.9.2020.

Mở đầu buổi nói chuyện, ông Hoan cảnh báo: Bên cạnh sự cạnh tranh của “tổ chức mới”, CĐ còn đối mặt với sự khó khăn của doanh nghiệp (DN) thời biến động kinh tế. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu tình hình mới, người làm công tác CĐ phải tự đổi mới để tạo ra mối tương tác tích cực, thiết thực với người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Trước hết là nhận thức lại chính mình.

Theo ông Hoan, lâu nay, nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ CĐ, thường đánh giá năng lực cán bộ, NLĐ... qua khả năng trí tuệ tức chỉ số IQ (Intelligence Quotient). Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế, nhiều người cùng học chung lớp, có cùng chứng chỉ, bằng cấp, nhưng chất lượng làm việc, sự hài lòng của người xung quanh luôn khác nhau. Sự thành công còn đòi hỏi có yếu tố của trí tuệ cảm xúc, tức chỉ số EQ (Emotional Quotient). Đó là người hiểu rõ bản thân mình, cũng như thấu hiểu người khác. Nói cách khác, người có khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh. Đó là chìa khóa vạn năng, giúp họ dễ thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong tập thể, cũng dễ dàng nhận được sự hợp tác so những “thiên tài đơn độc”.

Ông Hoan chia sẻ thêm: “Tôi từng nhắc cán bộ tòa án về “khả năng suy đoán vô tội”. Bởi nếu không, dễ bị đánh giá nhầm con người qua cảm xúc cá nhân. Cán bộ CĐ càng cần cẩn trọng hơn thế nữa, bởi mỗi ngày chúng ta nhận được rất nhiều phản ánh của NLĐ... Trong khi đó, mỗi người là một cá thể, tính cách khác nhau. Vì thế, nếu hiểu được, chúng ta sẽ khách quan hơn khi đánh giá, nhận định”.

Dẫn chứng tác phẩm “Ai đổ đóng rác ở đây” (Ajahn Brahm), ông Hoan nhấn mạnh đến câu chuyện về người trách móc 2 viên gạch lỗi trong số 1.000 viên gạch của bức tường để nhắc nhớ người làm công tác CĐ nên bỏ bớt, tránh xa căn bệnh: Luôn muốn chứng minh mình khôn ngoan hơn người khác một cách hẹp hòi đến bới lông, tìm vết... Từ đó, ông Hoan gợi ý LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp, thay vì trách cứ NSDLĐ thiếu chăm lo NLĐ, nên chủ động mời họ đến nói chuyện để thông hiểu nhau hơn và chia sẻ khó khăn để cùng nhau tìm tiếng nói chung... từ đó tạo ra xương sống của sự liên kết, tương tác bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Hoan, thực tiễn đang đòi hỏi người làm công tác CĐ phải có cả trí tuệ của lòng nhân ái LQ (Love Quotient) để cảm thông, thấu hiểu. Nói chính xác hơn là biết đặt mình vào góc nhìn, vị trí, hoàn cảnh của người khác trước khi đưa ra phán xét. Thông thường, ai cũng có lòng yêu thương, nhưng vì những vụn vặt đời thường mà đôi lúc chúng ta chưa đánh thức được, chưa áp dụng đúng nơi, đúng chỗ, đúng thời điểm.

Dẫn chứng câu chuyện người thầy đã giết con bò - nguồn sống duy nhất của gia đình đã cho mình nghỉ trọ qua đêm - trong tác phẩm “Ngày xưa có một con bò” (Camilo Cruz), ông Hoan gợi mở: Việc giết con bò không phải vì ghét, mà vì thương cả gia đình chỉ biết an phận trong sự hạn hẹp, nên đã tạo điều kiện để họ mở rộng cơ hội vươn tới cuộc sống mới”. Thực vậy, lúc đầu, gia đình tức giận vì mất đi nguồn nhập của gia đình. Nhưng sau đó, sự ra đi của con bò đã đặt cả nhà vào tình thế phải lao vào khai phá vùng đất hoang gần nhà để gieo trồng để kiếm cái ăn, rồi dần trở nên giàu có.

“Cái đầu của mỗi người hữu hạn vì thế nếu dẹp bỏ cái hạn hẹp thì sẽ có chỗ cho cái rộng lớn. Người làm công tác CĐ phải như thế và hơn cả thế trong đánh giá, xử lý công việc, nhất là xung đột trong quan hệ lao động” - ông Hoan nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn