MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo BLLĐ cần bổ sung nhiều quy định để thúc đầy trách nhiệm của NSDLĐ. Ảnh: NAM DƯƠNG

Cần bổ sung nhiều quy định cho phù hợp thực tế

NAM DƯƠNG LDO | 15/05/2019 13:29

Dự thảo Bộ luật Lao động có một số thuật ngữ quy định chưa rõ tạo kẽ hở và cần được bổ sung.

Phải bảo đảm quyền tự do lao động của NLĐ

Điểm d, Khoản 1, Điều 6 của dự thảo quy định về quyền của NSDLĐ “được đóng cửa tạm thời nơi làm việc”. Đây là quy định phù hợp, nhưng cần quy định rõ các trường hợp, điều kiện NSDLĐ được đóng cửa tạm thời tránh trường hợp NSDLĐ lạm dụng đóng cửa DN gây khó khăn cho NLĐ về việc làm, tiền lương.

Điều 16 dự thảo quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ như sau: “1: NSDLĐ phải cung cấp thông tin cho NLĐ... 2, NLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho NSDLĐ...”. Với hai khoản trong một điều luật như thế này, có thể hiểu NSDLĐ không cần trung thực khi cung cấp thông tin cho NLĐ như NLĐ phải làm. Do đó, cần bổ sung NSDLĐ phải cung cấp thông tin trung thực cho NLĐ thì mới đúng tinh thần bình đẳng khi giao kết HĐLĐ như quy định tại khoản 1, điều 15 của chính dự thảo này.

Điều 19 dự thảo quy định: “NLĐ có thể giao kết nhiều HĐLĐ với nhiều NSDLĐ, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết; với mỗi NSDLĐ chỉ được giao kết 1 HĐLĐ”. Quy định đã hạn chế quyền tự do lao động của NLĐ. Giả sử, một NLĐ có khả năng thực hiện nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng với quy định trên thì chỉ được giao kết 1 HĐLĐ với NSDLĐ. Do đó, dự thảo cần bỏ quy định “với mỗi NSDLĐ chỉ được giao kết 1 HĐLĐ” để bảo đảm quyền tự do lao động của NLĐ.

Khoản 2, Điều 22 dự thảo quy định: “Phụ lục HĐLĐ quy định chi tiết hoặc để sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn HĐLĐ”. Quy định như trên là thiếu, vì phụ lục HĐLĐ có khi chỉ cần sửa đổi một chứ không nhất thiết phải là một số điều của HĐLĐ như dự thảo đề ra. Đồng thời, dự thảo cũng cần quy định rõ phụ lục HĐLĐ không được sửa đổi loại HĐLĐ, vì trên thực tế hiện nay, có rất nhiều NSDLĐ, bằng cách này, cách khác gây sức ép buộc NLĐ ký phụ lục HĐLĐ từ HĐLĐ không xác định thời hạn sang HĐLĐ có thời hạn.

Phải thúc đẩy trách nhiệm của NSDLĐ

Theo quy định hiện hành, NSDLĐ có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, điều 41 dự thảo không quy định nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật phải đóng BHTN cho NLĐ, mà chỉ phải đóng BHXH, BHYT trong những ngày NLĐ không được làm việc. Theo chúng tôi, dự thảo cần bổ sung NSDLĐ phải đóng cả BHTN cho NLĐ trong thời gian bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, để cho NLĐ được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHTN.

Tại Khoản 3, Điều 47 BLLĐ hiện hành quy định NSDLĐ có trách nhiệm chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ, nhưng lại không quy định thời hạn cụ thể là bao lâu. Do đó, nhiều DN cứ tà tà, không chịu chốt trả sổ BHXH cho NLĐ sớm, để NLĐ đi đăng ký thất nghiệp. Trong khi đó theo quy định tại Luật Việc làm, nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc, NLĐ phải đi đăng ký thất nghiệp, quá thời hạn trên, NLĐ mất quyền đăng ký.

Nhưng tại Điều 48 của dự thảo lại không quy định về trách nhiệm, chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ. Vì vậy, dự thảo cần quy định: “Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ phải có trách nhiệm, chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ. Nếu không chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ dẫn đến NLĐ không đủ điều kiện đăng ký và hưởng trợ cấp thất nghiệp, NSDLĐ có trách nhiệm chi trả cho NLĐ một khoản tiền tương đương với khoản tiền trợ cấp thất nghiệp mà NLĐ lẽ ra được hưởng. Thời gian đã đóng BHTN của NLĐ vẫn được giữ nguyên và bảo lưu”. Như thế, sẽ thúc đẩy NSDLĐ có trách nhiệm nhanh chóng chốt, trả sổ BHXH cho NLĐ.

Khoản 10, Điều 3 dự thảo Bộ luật Lao động (dự thảo) về giải thích từ ngữ quy định: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là tất cả các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận”.

Một cán bộ CĐ nhận xét: Thực tế quấy rối tình dục không chỉ là hành vi mà còn thể hiện bằng lời nói. Bộ luật Lao động (dự thảo) không quy định lời nói tục, nói bậy, thậm chí xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác là quấy rối tình dục thì sẽ là một kẽ hở lớn và cần phải được bổ sung.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn