MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều khu nhà trọ công nhân nhếch nhác, chật hẹp. Ảnh: Vũ Nhân

Cần chính sách riêng để phát triển nhà ở cho công nhân

Cao Nguyên LDO | 08/02/2022 11:35
Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2022, Bộ sẽ tăng cường nghiên cứu, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở cho công nhân. Đặc biệt, chính sách dành cho nhà ở công nhân sẽ được tách riêng khỏi nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở công nhân còn chậm

Theo khảo sát của PV, hiện nay ở nhiều khu công nghiệp (KCN) đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc.

Thể hiện rõ nét khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh đã bộc lộ một vấn đề rất lớn, đó là nhà ở cho công nhân tại các KCN thiếu thốn trầm trọng, nhiều gia đình, nhóm công nhân phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp như “ổ chuột”, nhiều người ở trong phòng “vỏn vẹn” có 10-12m2.

Thời điểm dịch bùng phát mạnh ở một số địa phương như TPHCM, Bình Dương vào năm 2021 chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều hàng nghìn lao động chấp nhận về quê hương, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp tại thành phố. Chính vì không có nhà ở, không có tổ ấm, khiến công nhân, người lao động phải dứt áo, bỏ việc làm, công xưởng, nhà máy để trở về quê.

Hệ lụy kéo theo là đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công để khôi phục sản xuất trong “bình thường mới”, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.

PGS-TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. Vì vậy, công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.

Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, riêng chương trình phát triển nhà ở thu nhập thấp và nhà ở cho công nhân tại KCN, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và khó khăn về nguồn vốn, nên tiến độ triển khai còn chậm. Đến nay cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.144 căn hộ, với tổng diện tích 2.710.000m2. Đang tiếp tục triển khai 107 dự án với quy mô xây dựng khoảng 145.000 căn hộ, tổng diện tích 7.330.000m2.

Giải bài toán “vốn mồi”

Để thúc đẩy việc xây dựng NƠXH, nhà ở cho công nhân, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt việc nghiên cứu các gói cho vay tái cấp vốn để hỗ trợ gói tín dụng NƠXH, nhà ở cho công nhân và người lao động như đã áp dụng tại cuộc “giải cứu” thị trường bất động sản trong cuộc khủng hoảng và suy thoái hồi đầu thập niên trước là rất cần thiết.

Tuy nhiên, muốn có đòn bẩy lâu dài cho phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân và người lao động thì phải tính đến việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để bảo đảm tính khả thi và đủ hấp dẫn nhà đầu tư cho lĩnh vực này.

Vào đầu tháng 1.2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, giao Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, trong năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường nghiên cứu, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước các bộ ngành, địa phương nghiên cứu đề xuất và thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH, nhà ở cho công nhân theo Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi)... Đặc biệt, chính sách dành cho nhà ở công nhân sẽ được tách riêng khỏi NƠXH.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp các ngành, dự kiến trong năm 2022 việc phát triển nhà ở cho công nhân sẽ kỳ vọng rất lớn.

“Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có chính sách riêng để phát triển nhà ở cho đối tượng công nhân tại các KCN. Luật Nhà ở chưa có quy định về miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở cho công nhân nằm trong quy hoạch các KCN. Điều này dẫn tới các khu nhà ở cho công nhân tại các KCN, khu chế xuất không được miễn tiền sử dụng đất, làm cho giá cho thuê nhà ở cho công nhân còn cao”, ông Điệp nói.

Cũng theo vị này, để bảo đảm đồng bộ và gắn với trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc bảo đảm nhà ở cho công nhân, người lao động thì rất cần rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân trong các KCN, coi nhà ở cho công nhân là một phần của hạ tầng thiết yếu trong KCN. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong KCN. Trong khi đó, một số doanh nghiệp bày tỏ cần có những cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trên, đơn giản thủ tục hành chính, giải ngân sớm để không làm trễ tiến độ thực hiện dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn