MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị.

Cần có chế tài hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng doanh nghiệp có chủ bỏ trốn

Quế Chi LDO | 20/03/2018 12:09
Sáng 20.3, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 28 (khóa XI), nhiều Ủy viên Đoàn Chủ tịch đều cho rằng cần có chế tài hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng DN có chủ bỏ trốn nở rộ thời gian gần đây cũng như sớm ban hành tiêu chí xác định DN có chủ bỏ trốn; đồng thời tổ chức CĐ sẽ có những kiến nghị để đảm bảo các chế độ cho NLĐ (về bảo hiểm, lương, việc làm…) khi xảy ra những trường hợp này.

Trong buổi sáng 20.3, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN trình bày dự thảo báo cáo kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN năm 2017, trọng tâm phối hợp công tác năm 2018.

Đồng chí Trần Thanh Hải cho biết, vấn đề DN có chủ bỏ trốn là vấn đề thời sự, rộ lên tại thời điểm trước tết và hiện đang diễn ra. Tuy vậy, vấn đề giải quyết tài sản trong DN có chủ bỏ trốn rất nhiêu khê, vì vậy, đồng chí Trần Thanh Hải cho rằng cần kiến nghị Thủ tướng để ban hành các văn bản pháp luật giải quyết tổng thể thực trạng này; kiến nghị khôi phục Nghị định 30.

Do chủ Cty Texwell Vina bỏ trốn nên ông Đoàn Văn Đây - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai (phải ảnh) đã hướng dẫn công nhân thực hiện các thủ tục chốt sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi. Ảnh: H.A.C

Năm 2009, khi hiện tượng chủ DN “bỏ đi không hẹn ngày trở lại” rộ lên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg về việc hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế. Theo đó, chính quyền địa phương ứng ngân sách trả lương cho CN có chủ DN bỏ trốn.  

Chia sẻ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho biết, hiện thủ tục để xác định thế nào chủ bỏ trốn vẫn còn đang rất nhiều khê. “Chủ bỏ đi đồng nghĩa với CN bị nợ lương, nợ BHXH. Vừa qua, LĐLĐ TP. HCM cũng tìm mọi cách để bảo vệ NLĐ trong trường hợp chủ DN bỏ trốn, ví dụ tìm mọi cách đóng tiền BHXH cho những trường hợp nữ mang thai để họ được hưởng chế độ thai sản…”- đồng chí Trần Kim Yến cho biết.

Đồng chí Trần Kim Yến cho biết thêm, không chỉ đóng tiền bảo hiểm cho CN, tổ chức CĐ còn phải nộp cả phần lãi do DN nộp chậm tiền đóng BHXH cho NLĐ. Đồng chí Trần Kim Yến chia sẻ, vì quyền lợi của NLĐ nên tổ chức CĐ vẫn phải nộp đầy đủ cả khoản tiền này, mặc dù rất “ấm ức”. 

Đồng chí Trần Kim Yến đồng ý với đề xuất đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTBXH phối hợp với các Bộ ngành liên quan sớm trình ký ban hành Nghị định hướng dẫn khoản 7 điều 10 Luật BHXH năm 2014 nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, nhất là NLĐ ở các DN có chủ bỏ trốn.

Nhiều đại biểu đóng góp ý kiến cho rằng, cần đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm ban hành tiêu chí xác định DN có chủ bỏ trốn để làm cơ sở cho NLĐ hoặc tổ chức CĐ khởi kiện ra tòa án yêu cầu phá sản DN để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi DN phá sản. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn