MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phần lớn lao động ở các làng nghề là lao động phi chính thức, mặc dù có nghề, công việc rất ổn định, nhưng họ vẫn là phi chính thức bởi không có quản lý chính thức nào, không có hợp đồng lao động. Ảnh: Duy Khánh

Cần có chính sách đào tạo nghề cho lao động phi chính thức

Minh Hương LDO | 31/07/2024 12:30

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỉ trọng cao nhất trong 9 nhóm có sự tham gia của thị trường lao động phi chính thức.

TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho biết, Hà Nội hiện có 300 làng nghề được công nhận; kế hoạch đến năm 2030 sẽ tăng lên 1.300 làng nghề, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động.

“Theo tôi, phần lớn lao động ở các làng nghề là lao động phi chính thức, mặc dù có nghề, công việc rất ổn định, làm việc quanh năm, nhiều giờ trong ngày nhưng họ vẫn là phi chính thức bởi không có cơ quan quản lý, không có hợp đồng lao động,... Về đào tạo nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam tự nhận thấy có trách nhiệm, là cầu nối trung gian để chính sách của Nhà nước được lan tỏa” - TS. Tôn Gia Hóa nói.

Ông Hóa cũng đề nghị có chính sách đào tạo nghề ở khu vực làng nghề cho phù hợp, có chế độ đối với các cụ cao nhiên, lành nghề; mời những người giỏi nghề để dạy lại những thế hệ sau. Đồng thời mong muốn tôn vinh các nghệ nhân để họ có tiếng nói, nhận dự án về đào tạo nghề của Nhà nước.

Cùng bàn luận về việc đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục và Quản lý kinh tế - cho biết, thực tế, không chỉ ở nước ta mà ngay cả ở các nước phát triển vẫn tồn tại một bộ phận lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng, lao động phi chính thức kỹ năng nghề nghiệp thấp, tỉ lệ được hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp, nhất là đối với khu vực thành thị. Vì vậy, cần rà soát, kịp thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với đối tượng này.

Đối với những người lao động làm công ăn lương, xã viên hợp tác xã, cần trang bị cho họ ngoài các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn, trang bị kỹ năng tự thích ứng và những kỹ năng mềm khác đề có thể làm việc với năng suất cao hơn...

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động phi chính thức nói riêng không phải giờ mới được quan tâm mà được ban hành và triển khai thực hiện từ 2005.

Ngày 10.7.2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Nghị quyết 19. Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo bình quân 1 triệu người lao động mỗi năm; trong đó số lượng người được hỗ trợ đào tạo là 4,6 triệu người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết an sinh xã hội, việc làm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn