MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm của một nữ công nhân. Ảnh: Tất Thảo

Cần có cơ quan độc lập đánh giá, phản biện về mức sống tối thiểu

Nam Dương LDO | 12/04/2022 07:21

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thường vụ, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam - cho rằng cần có cơ quan độc lập đánh giá, phản biện về mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng tiền lương tối thiểu.

Luật sư Hậu cho rằng trong nhiều năm qua, Hội đồng tiền lương quốc gia khi họp bàn về tăng lương tối thiểu vùng, thì một trong những yếu tố quan trọng để tính mức tăng lương là căn cứ vào đánh giá mức sống tối thiểu.

Theo dõi qua báo chí, các cuộc họp về tiền lương tối thiểu của Hội đồng tiền lương Quốc gia những năm gần đây được tranh luận khá gay gắt giữa đại diện của người lao động là Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện của giới chủ là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Điều này thể hiện tính dân chủ trong xây dựng quy định pháp luật, cụ thể là quy định về tiền lương tối thiểu.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, mức sống tối thiểu chỉ là 1 trong 7 yếu tố để xây dựng mức lương tối thiểu, trong đó còn có: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; chỉ số giá tiêu dùng; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; tương quan với mức lương trên thị trường; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần có cơ quan độc lập đánh giá phản biện về mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng quy định về tiền lương tối thiểu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thông thường, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ căn cứ vào kết quả của bộ phận kỹ thuật cung cấp để xem xét. Theo luật sư Hậu, để cho khách quan, tránh nhìn nhận chủ quan, thì cần có cơ quan độc lập đánh giá về mức sống tối thiểu để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét, tránh tình trạng các cơ quan tham gia Hội đồng tiền lương Quốc gia lại dựa trên kết quả khảo sát của mình để làm cơ sở thương lượng, sẽ không khách quan.

Nghiên cứu, đánh giá về mức sống tối thiểu của cơ quan độc lập thực hiện, cần phải được công bố công khai để các cơ quan có chức năng tham gia giám sát, phản biện như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Liên đoàn Luật sư Việt Nam, là những nơi có các chuyên gia có khả năng, trình độ để phân tích, đánh giá, phản biện lại trước khi cung cấp cho Hội đồng tiền lương quốc gia tham khảo, sử dụng.

“Mục tiêu của việc phản biện này là để khi xây dựng pháp luật, ở đây là quy định về mức lương tối thiểu, phải phù hợp với thực tiễn, tránh chủ quan, duy ý chí của người ban hành quy định, để pháp luật khi đi vào cuộc sống thì không thể thực hiện được hoặc thực hiện một cách gượng ép, là mầm mống cho các tranh chấp trong quan hệ lao động”, Luật sư Hậu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn