MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, phải sang) trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: Việt Lâm

Cần có đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp

Việt Lâm LDO | 23/09/2020 07:15
“10 tháng qua, các cấp Công đoàn (CĐ) đã làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), trong đó có hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho NLĐ” - đó là nhận xét của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động tư vấn pháp luật trong bối cảnh đại dịch COVID-19, diễn ra trong hai ngày 22-23.9, ở Hà Nội.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án NIRF, do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức.

CĐ làm tốt công tác tư vấn pháp luật cho NLĐ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập của NLĐ. Nhiều triệu NLĐ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, 10 tháng qua, các cấp CĐ đã làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, trong đó có hoạt động TVPL, hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho NLĐ. Hàng triệu NLĐ được CĐ tuyên truyền, hướng dẫn, TVPL liên quan đến vấn đề hợp đồng lao động (HĐLĐ), bảo hiểm xã hội, các chế độ, chính sách mà NLĐ được hưởng…”.

Dịch COVID-19 làm xuất hiện nhiều vấn đề pháp lý chưa có tiền lệ. Do đó, tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu cùng nhau phân tích, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, nhân rộng để tiếp tục làm tốt công tác TVPL cho NLĐ trong thời gian tới; đề xuất những bài học, kinh nghiệm cho CĐ trong giải quyết các vấn đề khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Tham luận tại hội thảo, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm TVPL LĐLĐ TPHCM - chia sẻ, lượng NLĐ đến trực tiếp trung tâm giảm do giãn cách xã hội, tuy nhiên lại tăng mạnh qua các hình thức khác như mạng xã hội, điện thoại… Nội dung TVPL trong 9 tháng đầu năm tập trung nhiều vào những vấn đề liên quan ảnh hưởng dịch COVID-19 như: Tiền lương ngừng việc; quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động (NSDLĐ); chuyển NLĐ làm việc khác so với HĐLĐ; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ… Các câu hỏi nhận được của NLĐ đều được trung tâm trả lời kịp thời và thỏa đáng góp phần giúp cho NLĐ từng bước nhận thức hơn các quy định của pháp luật, từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Còn tại tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, các cấp CĐ trong tỉnh đã tổ chức 3.251 cuộc tư vấn, với hơn 10.120 NLĐ được TVPL. Thông qua hoạt động TVPL, hỗ trợ pháp lý, cán bộ CĐ cũng đã đúc kết, rút ra được nhiều kinh nghiệm, tổng hợp và đề xuất những quy định chưa phù hợp với thực tế để có ý kiến đóng góp khi sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến NLĐ và tổ chức CĐ, giúp bảo vệ quyền lợi của NLĐ hiệu quả hơn…

CĐ cần chủ động trong hoạt động TVPL

Bà Tạ Thị Bích Liên - Điều phối viên Quốc gia Dự án NIRF - nhận xét, trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra, các tranh chấp lao động (TCLĐ) xảy ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Hoạt động TVPL tại các trung tâm TVPL của Tổng LĐLĐVN đã được triển khai rất mạnh mẽ và hiệu quả. Tuy nhiên, khi đã phát sinh TCLĐ thì quá trình tư vấn, hỗ trợ và tố tụng rất mất thời gian, công sức và gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống vật chất và tinh thần của các bên liên quan. Như vậy, để giảm thiểu các TCLĐ, việc thúc đẩy đối thoại giữa doanh nghiệp và NLĐ là vô cùng cần thiết và CĐ cần phải đóng vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong quá trình này.

Ông Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm TVPL CĐ tỉnh Đồng Nai - cho hay, những khó khăn, vướng mắc trong việc tư vấn, bảo vệ quyền lợi của NLĐ là pháp luật quy định không rõ ràng dẫn đến quyền lợi của NLĐ bị vi phạm nhưng không thể giải quyết được, hoặc thời gian giải quyết kéo dài gây khó cho NLĐ… Do đó, ông Hà cho rằng, phải có sự thống nhất giữa CĐ và các cơ quan nhà nước; thống nhất giữa CĐ các cấp về phương án giải quyết; cán bộ CĐ cần nghiên cứu tổng thể vụ việc, vấn đề để xử lý tốt nhất cho NLĐ; đặc biệt cần huy động sự tham gia của toàn bộ các cơ quan quản lý vào cuộc…

Theo đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương, để hoạt động TVPL cho NLĐ đạt được hiệu quả, cần có cơ chế xây dựng đội ngũ cán bộ của trung tâm TVPL chuyên nghiệp, đủ về số lượng, chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật lao động, CĐ; kết nối hoạt động trung tâm với các thiết chế khác của CĐ, đặc biệt hình thành hệ thống các văn phòng hỗ trợ NLĐ tại các khu công nghiệp…

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN sẽ trình bày Đề án thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ để các đại biểu đóng góp ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn