MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại Cty Cổ phần Hóa chất Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: QUẾ CHI

Cần có những rào cản ngăn ngừa DN có nguy cơ phạm pháp về môi trường

QUẾ CHI LDO | 16/12/2018 13:00

Ngày 13.12, Đoàn giám sát liên ngành do Tổng LĐLĐVN chủ trì đã làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ liên quan đến vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Cần hoàn thành xác nhận công trình bảo vệ môi trường

Đoàn giám sát liên ngành do Tổng LĐLĐVN chủ trì gồm có: Ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - làm Trưởng đoàn; ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN - là Phó Trưởng đoàn; ông Đặng Văn Khánh - Trưởng phòng Bảo hộ lao động (Ban Quan hệ lao động); bà Trần Thị Lệ Anh - đại điện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Về phía UBND tỉnh Phú Thọ có ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lưu Văn Doanh - Phó Giám đốc Sở TNMT. Cùng tham dự buổi làm việc còn có ông Phạm Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Phú Thọ.

Trước đó, Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh Phú Thọ; Cty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ (KCN Thụy Vân) và Cty Cổ phần Hóa chất Việt Trì (nằm ngoài KCN) liên quan đến vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trong doanh nghiệp (DN) năm 2018.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, các đơn vị trên đã thực hiện những quy định về pháp luật bảo vệ môi trường, tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Ban Quản lý các KCN tỉnh chưa có xác nhận công trình bảo vệ môi trường; trong báo cáo chưa nêu rõ những vấn đề đã khắc phục qua các lần thanh tra, kiểm tra trước. Đoàn đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh cần hoàn thành xác nhận công trình bảo vệ môi trường.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Văn Doanh - Phó Giám đốc Sở TNMT - cho biết, về vấn đề chất thải nguy hại, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tổng số 356 cơ sở phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) thực hiện đăng ký chủ nguồn thải CTNH để được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH với tổng khối lượng CTNH được đăng ký là 2.669 tấn/năm.

Theo số liệu tổng hợp thông qua chứng từ CTNH và báo cáo quản lý CTNH định kỳ năm 2017 của các chủ nguồn thải CTNH gửi về Sở TNMT, khối lượng CTNH có phát sinh là 2.973 tấn và đã được các chủ nguồn thải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý 2.953 tấn (đạt 99,3%), số lượng CTNH còn lại đang được các chủ nguồn thải lưu giữ tại cơ sở chưa thực hiện chuyển giao xử lý.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lưu Văn Doanh, trong công tác quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn các tồn tại, hạn chế như: Việc phát hiện vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường đối với các DN, chủ phát sinh nguồn thải đôi khi chưa kịp thời; việc giám sát thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở còn chưa triệt để; chưa triển khai được nhiều các đề tài, dự án mang tính dự báo, cảnh báo; chưa được đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị quan trắc phân tích cho đơn vị sự nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu để phục vụ quản lý và kiểm soát ô nhiễm.

Cần quan tâm phát triển bền vững 3 trụ cột

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đánh giá trong thực hiện quản lý, xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại.

Ghi nhận nhận thức của các cấp ủy chính quyền, lãnh đạo đã sẵn sàng từ chối những dự án có nguy cơ gây nguy hại cho môi trường, ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển bền vững 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó phải nhìn nhận đánh giá đúng về vấn đề môi trường; tiếp tục đầu tư về công tác chỉ đạo; đầu tư về con người; đầu tư về kinh phí cho vấn đề môi trường. Trong đầu tư kinh phí, cần quan tâm tiếp tục tìm nguồn xã hội hóa, phát huy vai trò của DN trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cần có chính sách thu hút đầu tư hợp lý; chào đón những DN có công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn, trách nhiệm xã hội cao, quan tâm đến NLĐ; đồng thời cần có những rào cản để ngăn ngừa những DN có nguy cơ vi phạm pháp luật về môi trường.

Tỉnh cũng cần quan tâm nâng cao ý thức của cộng đồng, đặc biệt là của DN trong bảo vệ môi trường; cố gắng hình thành mô hình phân loại rác ngay từ nguồn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra giám sát, công khai xử lý vi phạm, nếu cần thiết đình chỉ hoạt động của DN vi phạm. Ông Ngọ Duy Hiểu cũng mong muốn UBND tỉnh chọn công nghệ hiện đại trong việc xử lý chất thải, có thể tái tạo nguồn năng lượng mới phục vụ sản xuất.

Thay mặt Đoàn giám sát, ông Ngọ Duy Hiểu tiếp thu các kiến nghị của tỉnh Phú Thọ; đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm xử lý các vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu ra; hoàn thiện báo cáo, gửi về Đoàn giám sát trong vòng 1 tuần sau buổi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn