MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty Pepperl+ Fuchs Việt Nam trong giờ ăn giữa ca. Ảnh: Đức Long

Cần có quy định bắt buộc về chất lượng bữa ăn giữa ca

Nam Dương LDO | 08/11/2021 06:30
Hầu hết các doanh nghiệp có đưa việc phục vụ bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể. Cán bộ công đoàn cho rằng, cần có quy định mang tính bắt buộc về chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân lao động.

Cơm giữa ca đủ ăn

Bữa cơm trưa ngày 7.11 của công nhân (CN) Cty Nidec Sankyo (Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức, TPHCM) gồm thịt kho với tôm, rau muống xào tỏi/luộc và canh chua (không có cá).

Chị Ru Manh, CN Cty Nidec Sankyo cho biết, trước đây phần ăn trưa của CN thường gồm 2 món mặn, một món rau xào và một món canh, cơm được ăn thoải mái.

“Tôi chỉ biết suất ăn của CN khoảng mười mấy ngàn đồng. Với sức ăn của phụ nữ như tôi thì phần ăn như thế là đủ no, còn với nam CN có thể hơi thiếu dinh dưỡng” - chị Ru Manh nhận xét.

Còn chị Bàn Thị Quyên, CN Cty may mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TPHCM), thì cho biết, thông thường suất ăn của CN sẽ gồm 1 món mặn, 1 món xào và 1 món canh. Mỗi ngày nhà bếp sẽ có 3 món mặn là cá, thịt, trứng; lâu lâu có đùi gà chiên hoặc kho để CN chọn ăn với 1 món canh và 1 món rau xào.

Ngoài ra, nhà bếp cũng làm thêm món chay để CN lựa chọn. 

Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch CĐ Cty May mặc Triple Việt Nam, suất ăn hiện nay của CN là 16.500 đồng/người/bữa. Một ngày Cty phải có ít nhất 2 món mặn cho CN lựa chọn ăn cùng rau xào và canh.

Việc phục vụ bữa ăn giữa ca cho CN đã được đưa vào thỏa ước lao động tập thể. Hằng ngày cán bộ CĐ sẽ phối hợp kiểm tra suất ăn của CN...

Bảo đảm bữa ăn giữa ca công nhân mới làm việc tốt

Ông Nguyễn Uy Danh - Chủ tịch CĐ Cty Pepperl+ Fuchs Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TPHCM) - cho biết, bữa ăn giữa ca của CN tại Cty năm 2021 có giá trị 36.000 đồng. Hằng tháng, Cty sẽ chuyển khoản số tiền ăn vào tài khoản cho CN tiền ăn của tháng đó. Đến bữa, CN xuống nhà ăn và tùy chọn đồ ăn theo nhu cầu của mình, ai chọn hai món mặn thì sẽ phải trả tiền nhiều hơn, còn người chọn 1 món mặn thì sẽ trả tiền ít hơn. Nếu dư tiền ăn so với tiền của Cty trả, CN thường mua nước uống dinh dưỡng để bổ dưỡng thêm.

“Trước đây, Cty không trả tiền trực tiếp cho CN mà chỉ lo bữa ăn giữa ca. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng có người ăn nhiều, người ăn ít hơn nhưng vẫn chịu chung giá tiền bữa ăn ca, như thế là không công bằng. Sau đó, Cty áp dụng việc trả tiền cho CN, để CN tự quyết định chọn món ăn theo nhu cầu của mình. 

Với 36.000 đồng/suất ăn/người như vậy là bảo đảm dinh dưỡng cho CN làm việc tốt” - ông Danh nói.

Ông Lê Trần Thanh Hải cho rằng: “Với giá trị 16.500 đồng/người/bữa thì cũng chỉ ở mức trung bình, không phải là cao. Quan trọng nhất của bữa ăn giữa ca là phải đảm bảo đủ chất lượng, dinh dưỡng cho CN. Có bảo đảm dinh dưỡng thì CN mới làm việc được tốt”.

Trong buổi họp hội đồng thẩm định “Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá thực trạng việc làm, đời sống của nữ CN ngành may mặc trên địa bàn TPHCM” do LĐLĐ TPHCM tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn cho rằng, cần phải tăng cường chính sách chăm lo cho CNLĐ về bữa ăn ca, bởi hiện nay pháp luật chỉ quy định khuyến khích chứ chưa bắt buộc. Đặc biệt, cần phải “định lượng hóa” chất lượng bữa ăn giữa ca để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho CNLĐ.

Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho rằng, có thể xây dựng một thông tư liên tịch giữa tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về lao động về định lượng chất lượng bữa ăn giữa ca dựa trên mức lương tối thiểu vùng và chỉ số giá tiêu dùng hằng năm để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn