MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu về khám chữa bệnh và gửi trẻ của công nhân khu công nghiệp rất cao. Ảnh minh hoạ: Tất Thảo

Cần có thêm cơ sở y tế, trường mầm non tại các khu công nghiệp

Việt Lâm - Tất Thảo LDO | 24/12/2020 14:14

Ngày 24.12, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo… đã báo cáo với Thủ tướng về công tác phối hợp với Tổng LĐLĐVN trong việc chăm lo người lao động khu công nghiệp thời gian qua.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo sức khoẻ của người lao động, nhất là những người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động ngoài giờ lao động, bởi trong giờ làm việc họ không có thời gian đi khám, chữa bệnh.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Lâm

Tuy nhiên, hoạt động khám chữa bệnh ngoài giờ cho người lao động đạt hiệu quả chưa cao do ngành y tế chưa chuẩn bị được nguồn nhân lực và cơ sở y tế, đặc biệt là chưa xây dựng được chế độ chi trả tiền làm thêm, làm ngoài giờ cho người lao động ngành y.

“Hiện nay chỉ có TPHCM, Bình Dương tổ chức khám chữa bệnh cho người lao động, từ 17-21h ngày làm việc hàng tuần, khám cả thứ 7 và chủ nhật" - ông Tuyên cho biết.

Để có thêm nhiều người lao động được khám bệnh ngoài giờ, ông Tuyên đề nghị lãnh đạo các địa phương bố trí quỹ đất tại nơi có đông công nhân lao động để xây dựng các cơ sở y tế; Tổng LĐLĐVN khi xây dựng các thiết chế công đoàn cũng cần xây dựng cơ sở y tế; Bộ Y tế sẽ phối hợp với chính quyền, tổ chức công đoàn khảo sát cụ thể tại các khu công nghiệp để xây dựng các cơ sở y tế nhằm khám chữa bệnh kịp thời cho người lao động…

Ông Tuyên cũng lưu ý, mặc dù hiện nay Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, tuy nhiên mọi người không thể chủ quan. Do đó, Bộ Y tế đề nghị mọi người tiếp tục thực hiện “Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”; công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, nhất là tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, tại các nơi có đông người lao động sinh sống…

Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay tại các khu công nghiệp - khu chế xuất rất thiếu các cơ sở giáo dục phục vụ nhu cầu của gia đình công nhân.

Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Lâm

“Hiện nay nhiều gia đình công nhân có con trong độ tuổi đi học, nhất là gửi trẻ ở lứa tuổi mầm non. Do thiếu cơ sở vật chất, nên nhiều trường công lập không thể tiếp nhận con người lao động, nên họ đành phải xa con, gửi trẻ về quê nhờ người thân chăm sóc; gửi trẻ tại các trường mầm non tư thục, lớp trẻ gia đình - những nơi này phần lớn học phí cao, chưa đảm bảo điều kiện chăm nuôi trẻ, tiềm ẩn nguy cơ bạo lực… Ngoài ra, lực lượng giáo viên mầm non thiếu và yếu do khó tuyển dụng được nhân lực bởi áp lực công việc cao, lương thấp” - bà Minh cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của gia đình công nhân, bà Minh cho rằng, lãnh đạo các địa phương cần bố trí quỹ đất, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và tư nhân xây dựng trường mầm non; tiếp tục có thêm chính sách ưu tiên cho giáo viên mầm non tại các khu công nghiệp - khu chế xuất; hỗ trợ vật chất, đào tạo giáo viên cho các trường mầm non tư thục; lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non tại các trường tư thục và lớp trẻ gia đình; Tổng LĐLĐVN đẩy nhanh việc xây dựng thiết chế công đoàn - trong đó có trường mầm non, phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên mầm non tại các khu công nghiệp - khu chế xuất…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn