MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị góp ý dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Hồng Ngọc

Cần đảm bảo địa vị chính trị của Công đoàn

Đức Thiệm LDO | 14/10/2020 10:57

Ngày 12.10, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung góp ý các quy định liên quan đến tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp ủy địa phương với tổ chức Công đoàn (CĐ) về công tác tổ chức, cán bộ, các quy định đảm bảo nguồn tài chính CĐ, cơ chế bảo đảm thực thi quyền CĐ cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ trong tình hình mới...

Về tên gọi của luật, ông Từ Hồng Hải - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Đà Lạt - đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu tên gọi đầy đủ, chính xác là “Luật Công đoàn Việt Nam” (CĐVN) để thống nhất với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam, đồng thời phân biệt giữa CĐVN với các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khác theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Về công tác tổ chức, cán bộ CĐ các cấp, ông Nguyễn Bá Trung - Chủ tịch CĐ ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) tỉnh - đề xuất phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, cũng cần có quy định tăng quyền cho tổ chức CĐ được đề xuất để cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ CĐ là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC).

Nếu công tác tổ chức cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội khác chủ yếu dựa vào tiêu chí diện tích tự nhiên, quy mô số dân địa phương thì công tác tổ chức cán bộ của CĐ cần dựa vào tiêu chí về quan hệ lao động là chủ yếu mới có thể thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ.

Bà Phạm Thị Phúc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy - chia sẻ với những khó khăn mà tổ chức CĐ sẽ phải đối diện trong thời gian tới về cả tổ chức, cán bộ và hoạt động, nhất là vấn đề thu hút, tập hợp NLĐ gia nhập tổ chức CĐ và đảm bảo các nguồn lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013.

Cùng quan điểm với hầu hết đại biểu tham dự hội nghị, bà Phúc nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật CĐ trong thời điểm hiện nay là cần thiết để đồng bộ với hệ thống pháp luật và đảm bảo sự bình đẳng giữa CĐ và các tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở về quan hệ lao động. Nhưng cùng với đó, ban soạn thảo và cơ quan lập pháp cũng cần nghiên cứu đến yếu tố lịch sử và địa vị của CĐ trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội Việt Nam để xây dựng pháp luật, đảm bảo về nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cho hoạt động của CĐ thực hiện nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội, là nòng cốt trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3.9.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn