MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ 1. Ảnh: Sơn Tùng

Cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các thiết chế Công đoàn

Hà Anh - Tất Thảo LDO | 29/07/2019 11:30
Ngày 29.7, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 (khoá XII) tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ hai.

Trong buổi sáng 29.7, hội nghị đã chia các tổ để các đồng chí uỷ viên thảo luận, góp ý vào các tờ trình: “Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác tài chính Công đoàn”;  “Chương trình của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Nâng cao phúc lợi và lợi ích đoàn viên và người lao động, giai đoạn 2019-2023; “Chương trình Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”…

Đồng chí Trần Thị Diệu Thuý, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh là tổ trưởng Tổ 1. Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự, thảo luận tại tổ 1.

Đồng chí Trương Văn Hiền - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang phát biểu tại tổ 1. Ảnh: Sơn Tùng 

Góp ý cho Tờ trình “Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ” - đồng chí Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Tiền Giang cho rằng: Các đồng chí chủ tịch công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước hiện nay “sợ nhất” là bị mất việc, qua đó mất thu nhập, dẫn tới ảnh hưởng đến đời sống gia đình nên nhiều đồng chí không nhiệt tình, hăng hái bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động, bởi nếu đối đầu với chủ doanh nghiệp - người bố trí công việc, trả lương cho mình - đồng nghĩa cán bộ công đoàn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để có lực lượng chủ tịch công đoàn cơ sở nhiệt huyết, dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi đoàn, viên người lao động…, theo đồng chí Trương Văn Hiền: Tổ chức Công đoàn cần phải có biện pháp bảo vệ họ hiệu quả, qua đó tạo được lòng tin trong họ, ngoài ra cũng cần có mức phụ cấp ưu đãi nhằm nâng cao thu nhập cho chủ tịch công đoàn cơ sở...

Về tờ trình Chương trình của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và người lao động” - theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế Công đoàn để phục vụ đoàn viên, người lao động. “Việc này phải có quyết tâm cao, bởi với tốc độ như hiện nay còn chậm. Tại Tiền Giang - một trong hai địa phương thực hiện thí điểm xây dựng thiết chế Công đoàn - hiện nay chỉ có 3 căn hộ mẫu…” - đồng chí Trương Văn Hiền cho biết. 

Cùng quan điểm với đồng chí Trương Văn Hiền, đồng chí Phạm Thái Dương - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, đoàn viên, người lao động rất mong mỏi được ở, sử dụng những cơ sở, vật chất của các thiết chế Công đoàn. Do đó cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng thiết chế Công đoàn để phục vụ công nhân lao động; kèm với thiết chế là những siêu thị có bán những sản phẩm của doanh nghiệp đã ký thoả thuận hợp tác Chương trình phúc lợi đoàn viên với tổ chức Công đoàn. Nếu thực hiện được như trên, Công đoàn sẽ đem lại nhiều lợi ích đoàn viên, người lao động, qua đó thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Buổi thảo luận tại tổ 2 diễn ra dưới sự điều hành của đại tá Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng – Tổ trưởng. Tham dự có đồng chí Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ 2. Ảnh: Sơn Tùng 

Góp ý về Tờ trình Chương trình của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao phúc lợi và lợi ích cho đoàn viên và người lao động” giai đoạn 2019-2023, đồng chí Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp tỉnh Long An đề xuất cần xây dựng Siêu thị Công đoàn tại mỗi khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề nghị cần thúc đẩy việc cấp thẻ mới cho đoàn viên công đoàn để họ được hưởng các lợi ích từ Chương trình Phúc lợi cho đoàn viên; tạo sự khác biệt đối với đoàn viên công đoàn.

Bên cạnh đó, trong vấn đề thí điểm các hoạt động kinh tế của công đoàn, cần mở rộng đối tượng, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc, áp dụng cơ chế thị trường trong vận hành; tìm được người đứng đầu giỏi tại các đơn vị để việc triển khai các hoạt động này mang lại hiệu quả. Về vấn đề xây dựng thiết chế Công đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nghiên cứu có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố cả nước để có sự chỉ đạo thống nhất về đất, cơ sở vật chất dành cho tổ chức Công đoàn…

Các đại biểu còn có nhiều ý kiến thảo luận về Tờ trình Chương trình về “Xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn