MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ tại Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến

Cần địa phương vào cuộc hỗ trợ công ty đông công nhân thực hiện "3 tại chỗ"

HÀ ANH CHIẾN LDO | 27/07/2021 11:38

Để đáp ứng sản xuất “3 tại chỗ”, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương, bởi nếu chỉ mỗi doanh nghiệp thì không thể đảm bảo “3 tại chỗ”.

Nếu chính quyền hỗ trợ tận dụng những mặt bằng trống hoặc huy động xe buýt đang nghỉ dịch để đón công nhân thì doanh nghiệp vẫn có thể đảm bảo được sản xuất trong điều kiện an toàn chống dịch, làm lợi cả “đôi đường” cho chính quyền, doanh nghiệp, NLĐ. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp dù không xuất hiện ca mắc COVID-19, đảm bảo tốt các quy định phòng dịch COVID-19, hoặc không có ca mắc COVID-19, nhưng không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” đã phải tạm đóng cửa, kéo theo hệ luỵ hàng trăm ngàn công nhân phải nghỉ làm.

Không bố trí được xe buýt, 34.000 công nhân phải nghỉ làm

Tại Đồng Nai có nhiều doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phải tạm đóng cửa do xuất hiện ca mắc COVID-19 trong công ty. Những doanh nghiệp này đều có số lao động rất lớn, từ 17.000 – 40.000 công nhân, tại huyện Vĩnh Cửu, và TP.Biên Hoà.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có đông CNLĐ mặc dù thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19, nhưng đều bị “gộp chung”, phải tạm đóng cửa. Điều này gây “thiệt đơn thiệt kép” cho địa phương, doanh nghiệp và cả công nhân lao động.

This browser does not support the video element.

Tại huyện Trảng Bom, mặc dù không nằm trong khu vực bị phong toả, nhưng do không đáp ứng được yêu cầu phải có xe đưa rước công nhân đi làm, 4 công ty thuộc Tập đoàn Phong Thái trong Khu công nghiệp Sông Mây với 34.000 công nhân đã phải nghỉ làm chống dịch.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Phong Thái cho biết: “Chúng tôi đã thống kê tất cả số lượng xe buýt nhưng không đáp ứng đủ số lượng, vì xe buýt hiện nay chỉ được chở được 50% người nhằm đảm bảo công tác giãn cách chống dịch, trong khi số lượng công nhân quá lớn (34.000 công nhân) nên chúng tôi đành phải cho công nhân nghỉ làm”.

Cũng theo vị đại diện này, việc để công nhân nghỉ việc là “bất đắc dĩ” vì khi nghỉ làm, thu nhập công nhân bị giảm mạnh, chỉ nhận được số tiền 170.000 đồng/ngày mà không được tăng ca. Trong khi đó, công nhân làm việc tại doanh nghiệp còn được hỗ trợ bữa ăn trưa và các bữa ăn tăng ca khác, để dành tiền lo cho gia đình.

Cũng ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, đại diện một doanh nghiệp có đông công nhân trong ngành giày da (xin được giấu tên) cho rằng: Chính quyền địa phương nên đưa ra quy định rõ ràng. Theo đó, từng doanh nghiệp, nhà máy sản xuất phải chịu trách nhiệm trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, nếu xảy ra dịch bệnh phải ngay lập tức đóng cửa, chứ không nên “gộp” chung tất cả các doanh nghiệp. “Như doanh nghiệp chúng tôi đã thực hiện rất tốt việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhưng cuối cùng vẫn phải chịu chung số phận phải tạm đóng cửa”, đại diện này bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp này có khoảng 25.000 công nhân lao động, nên đã sớm có các biện pháp để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả. Cụ thể, doanh nghiệp này đã chủ động thành lập 10 khu vực kiểm soát thân nhiệt, khởi động các kênh khiếu nại, phản ánh để tiếp nhận thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19, chuẩn bị 5 kịch bản cho 5 cấp độ của dịch bệnh có thể xảy ra trong công ty để chủ động kiểm soát. Trong đó, nếu ở mức độ cao nhất, công ty sẽ tạm thời đóng cửa, yêu cầu các nhân viên và cán bộ có liên quan thực hiện cách ly.

Chỉ doanh nghiệp dưới 1.000 công nhân đáp ứng “3 tại chỗ”

Theo yêu cầu mới, Đồng Nai đề nghị phải thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả NLĐ làm việc tại doanh nghiệp. Trường hợp xét nghiệm không có ca bệnh thì các doanh nghiệp sẽ áp dụng phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” (“1 cung đường” là chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú đến nơi sản xuất, “2 địa điểm” là nơi lưu trú tập trung người lao động của từng doanh nghiệp riêng biệt và nơi sản xuất của doanh nghiệp) hoặc áp dụng linh hoạt cả 2 phương án. Nội dung này, tỉnh Đồng Nai áp dụng đối với địa bàn 7 huyện, thành phố gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch. Thời gian áp dụng từ ngày 22.7 đến hết ngày 1.8.

Ngay sau yêu cầu này, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hwaseung Vina tại KCN Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch, có 16.000 công nhân cho biết, công ty cũng đã phải cho toàn bộ công nhân nghỉ việc đến hết ngày 1.8, lý do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ” nên đã chủ động cho công nhân tạm nghỉ làm. Ngày 27.7, trao đổi với phóng viên báo Lao Động, ông Hồ Tăng Anh Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hwaseung Vina, Nhơn Trạch, Đồng Nai cho biết: Hiện công ty chưa ghi nhận trường hợp công nhân mắc COVID-19.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đến ngày 26.7, đã có 1.065 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được chấp thuận cho công nhân tạm trú tại doanh nghiệp thực hiện sản xuất 3 tại chỗ. Tuy nhiên, đa phần số lao động đều dưới 1.000 công nhân.

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động về vấn đề tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết: Hầu như các doanh nghiệp lớn có 20.000 – 30.000 công nhân đều khó thực hiện lưu trú tại doanh nghiệp mà thực hiện cho nghỉ tạm thời, doanh nghiệp bố trí 3 tại chỗ nhiều nhất khoảng từ 1.000 công nhân trở lại là đối với các doanh nghiệp có diện tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn