MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Nguyễn Thị Thanh Hà - Cty TNHH may mặc Oriental Garment An Giang.

Cần đưa “nhà giữ trẻ” thành tiêu chí tại các cụm, khu công nghiệp”

Nguyễn Thị Thanh Hà (Cty TNHH may mặc Oriental Garment An Giang) LDO | 30/04/2017 09:00
Do đặc thù của ngành may mặc, Cty chúng tôi có đến 95% là nữ giới trong tổng số hơn 1.200 lao động làm việc.
Bình quân mỗi năm có trên dưới 120 nữ nghỉ hộ sản và nhiều trường hợp trong số này đã xin nghỉ không ăn lương, nghỉ việc, bỏ việc, hoặc làm việc trong tâm thế không thực sự thoải mái... mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nhà giữ trẻ tại chỗ.

Cũng như nhiều KCN ở vùng nông thôn, KCN Bình Hòa cách trung tâm thị trấn An Châu (Châu Thành, An Giang) nơi có nhà giữ trẻ gần nhất cũng hơn chục km. Vì vậy, để gởi con nhỏ, công nhân phải đi đoạn đường khá dài nên phần lớn họ thường bị thiệt thòi vì bị trừ mất điểm chuyên cần, đồng nghĩa với thu nhập bị giảm.

Nhưng không phải công nhân nào cũng có đủ xe cộ, thời gian.... để làm được điều này. Nên hoặc họ bỏ việc, xin nghỉ không ăn lương để ở nhà trông con nhỏ, hoặc phải gởi con cho các hộ gia đình gần KCN trông nom, mà thực chất là giữ trẻ. Chưa tính đến chất lượng của dịch vụ này, giá cả và giờ giấc là câu chuyện nan giải so với thu nhập của công nhân. Bởi ngoài định mức hằng tháng, nếu công nhân vì lý do tăng ca, phải gởi con “ngoài giờ” sẽ phải trả mức tiền 50.000 đồng/trẻ trong 2,5 tiếng đồng hồ.

Biết là đắt, nhưng công nhân phải chấp nhận vì họ không có lựa chọn nào khác. Vấn đề này, chúng tôi đã chính thức lên tiếng liên tiếp tại 3 kỳ đối thoại với lãnh đạo tỉnh An Giang, nhưng đến nay KCN Bình Hòa vẫn chưa có nhà giữ trẻ.

Càng kéo dài điều này, công nhân chúng tôi, nhất là nữ càng khổ. Chúng tôi xin kiến nghị: Tới đây nên đưa tiêu chí “nhà giữ trẻ cho con NLĐ” như yếu tố bắt buộc để xem xét hình thành và cho phép đưa KCN vào hoạt động và có chế tài với các vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn