MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 5 (khóa XIII) Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN). Ảnh: Hải Nguyễn

Cần đưa vào báo cáo thực trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội

Kiều Vũ - Hải Nguyễn LDO | 14/06/2024 14:37

Hà Nội - Ngày 14.6, tại Hội nghị lần thứ 5 (khóa XIII) Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) do Chủ tịch Nguyễn Đình Khang chủ trì, đóng góp vào dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, một số ý kiến cho rằng, cần đưa vào Báo cáo tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Theo dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Thái Thu Xương trình bày, công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể được các cấp công đoàn tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực. Có 1.417 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới, đạt 45,36% chỉ tiêu năm, nâng tỉ lệ thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết lên 74,82%; có 5.328 bản Thỏa ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung.

Trong đó, Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức các phiên thương lượng với Hiệp hội Dệt May Việt Nam bổ sung một số chế độ mới vào dự thảo Thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ VI với một số nội dung như nâng mức ăn giữa ca của từng vùng lên 2.000 đồng/bữa; tặng quà cho lao động nữ ngày 8.3 và 20.10 (mỗi ngày ít nhất 50.000 đồng); hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tối thiểu 50.000 đồng/tháng, mở rộng điều kiện tham gia Thỏa ước lao động tập thể ngành đối với các doanh nghiệp dệt may ngoài hệ thống nhằm tăng độ bao phủ...

Chất lượng Thỏa ước lao động tập thể tiếp tục được nâng lên, đã chú trọng thương lượng và đưa vào ký kết những nội dung có lợi, cao hơn quy định của pháp luật đối với người lao động. Đã có 2.264 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca, đạt 59,8% chỉ tiêu năm 2024.

Về nội dung dự thảo Báo cáo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Tổng Biên tập Báo Lao Động và bà Trần Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động - đều đề nghị bổ sung thêm tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương của người lao động. Dẫn ra những vụ việc người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương tại một số doanh nghiệp lớn như Công ty Haprosimex, Bkav… đòi được quyền lợi sau khi phóng viên Báo Lao Động vào cuộc một cách quyết liệt, ông Nguyễn Ngọc Hiển nhấn mạnh, tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội đang diễn ra nghiêm trọng, vì vậy cần đưa vào báo cáo để đẩy mạnh công tác truyền thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn