MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế trong một bệnh viện công đang chăm sóc người bệnh. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Cần được đảm bảo chế độ khi làm thêm vượt quá 200 giờ/năm

Bảo Hân LDO | 29/05/2020 07:48
Thiếu nhân lực, bệnh nhân đông khiến nhiều cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập phải thường xuyên làm thêm giờ. Tuy nhiên, bất cập là, nếu thời giờ làm thêm vượt quá 200 giờ/năm, cán bộ y tế lại không được trả tiền công.

Điều 106 Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Người sử dụng lao động (NSDLĐ) được sử dụng người lao động (NLĐ) làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Trong khi đó, ngành Y không thuộc các trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200 giờ đến 300 giờ/năm theo quy định tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP. 

Từ thực tế, bà Lê Thị Kim Đài - Phó Chủ tịch CĐCS Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết: “Do đặc thù của ngành Y làm việc, trực đêm, ngoài giờ, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi không được trả tiền công khi vượt quá thời gian 200 giờ. Ngoài ra, còn ảnh hưởng thu nhập của bệnh viện do bảo hiểm y tế không đồng ý chi trả nếu được thực hiện bởi NLĐ đã vượt thời gian quy định. Hiện tại, bệnh viện chỉ trả ngày bù, trong khi thiếu nhân lực thực hiện công việc, đặc biệt trong điều kiện bệnh viện thực hiện tự chủ” - bà Đài cho hay. 

Ông Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam - nói rằng, cán bộ y tế làm việc trong môi trường nặng nhọc và luôn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. “Thời gian làm việc của nhân viên y tế ngược với quy luật về sinh lý: Khi mà đa số người dân được ngủ thì họ phải thức. Áp lực về tâm lý rất nặng nề; rủi ro trong ngành là rất lớn” - ông Mục nói. 

Theo ông Mục, trong ngành Y, do thiếu nhân lực cục bộ và quá tải cục bộ nên nhiều nhân viên y tế phải làm thêm ngoài giờ. Ông Mục kiến nghị làm thêm bao nhiêu giờ thì phải trả bằng đó, tại sao làm 300 giờ/năm lại trả có 200 giờ/năm?”. Ông cũng kiến nghị phải xây dựng chính sách về chỉ tiêu bác sĩ và điều dưỡng theo người bệnh và phá bỏ chỉ tiêu theo giường bệnh.

Theo GS-TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam, với thực tế hiện nay, việc làm thêm giờ trong ngành Y tế là bất khả kháng, nhưng cán bộ y tế làm thêm giờ phải được hưởng chế độ xứng đáng. CĐ Y tế sẽ tập hợp những ý kiến về chế độ làm thêm giờ để kiến nghị trong thời gian tới.

Sáng 28.5, Viện Công nhân - Công đoàn phối hợp cùng CĐ Y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo thực trạng và kiến nghị chế độ làm thêm giờ của cán bộ y tế tại các cơ sở y tế công lập. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, với người đi làm, điều đầu tiên là mong muốn có việc làm tốt, trong đó, bao gồm môi trường làm việc, thu nhập, thời giờ làm việc. Thời giờ làm việc trở thành một nội dung quan trọng trong tiêu chuẩn lao động. Đây là vấn đề luôn luôn được NLĐ quan tâm.

“Thời giờ làm việc ảnh hưởng lớn đến an toàn, sức khoẻ và cân bằng cuộc sống của NLĐ. Trong ngành Y tế, phải làm thế nào để giải quyết nhu cầu về khám chữa bệnh trong ngành và thực thi đúng thời giờ làm việc theo như quy định của Bộ luật Lao động; giúp người dân phòng, chống, chữa trị bệnh tật, nhưng cán bộ, nhân viên y tế vẫn đảm bảo được sức khoẻ, tránh rủi ro cho chính bản thân mình - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn