MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội nghị lấy ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới bế mạc vào sáng nay (8.12). Ảnh: PV

Cần "giải phóng" nút thắt đình công, lãn công tự phát

Nhiệt Băng LDO | 08/12/2017 14:49

Sáng 8.12, tại LĐLĐ tỉnh Phú Yên, hội thảo lấy ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở (CĐCS) và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới do Tổng LĐLĐ VN tổ chức tiếp tục thảo luận và bế mạc vào sáng cùng ngày.

Sau phần đề xuất nhiệm vụ trọng tâm của CĐCS diễn ra hôm qua (7.12), sáng nay, các đại biểu tập trung vào thảo luận, đề xuất nhiệm vụ CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới.

Theo đó, các đại biểu là CĐCS, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên chia làm 3 nhóm thảo luận, để trả lời cho câu hỏi “Căn cứ quy định hiện hành của Điều lệ CĐ VN, hãy đề xuất nhiệm vụ trọng tâm của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới?”.

Các nhóm đề xuất nhiệm vụ trọng tâm đối với từng đơn vị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như: CĐ ngành địa phương, CĐ các khu công nghiệp, CĐ cấp huyện. 

“CĐ ngành có làm thỏa ước lao động tập thể không? Hay là chỉ CĐ cấp trên hướng dẫn CĐCS làm?”, ông Nguyễn Duy Vũ - Phó trưởng Ban Tổ chức (Tổng LĐLĐ VN) đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Vinh - Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Bình Định cho rằng, đối với các địa phương mà có ít CĐ ngành thì đầu mối không nhiều. Hơn nữa, vấn đề này vướng ở chỗ, nếu CĐ cấp trên ký thỏa ước lao động tập thể theo ngành thì không có cán bộ ở đó để giám sát việc thực hiện thỏa ước. Từ đó, nếu đơn vị ký thỏa ước thực hiện không đúng thì CĐ cấp trên cũng không biết, để kiến nghị xử lý.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về thực trạng đình công, lãn công hiện nay, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tổ chức CĐ trong việc này.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó chủ tịch CĐ Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho rằng, đình công, lãn công ở các KCN, KKT nếu đúng quy trình thì CĐ cấp trên cũng không làm được.

Lý do, khi xảy ra tranh chấp, cấp cơ sở phải thống nhất thỏa thuận, hòa giải lần 1, 2… sau đó, nếu không giải quyết được thì CĐ cấp trên mới tham gia, hoặc kiện ra tòa. Bà Thủy đề xuất cần đưa ra quy trình cụ thể đình công, lãn công về quyền và lợi ích. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ cho biết: "Bộ luật Lao động 2018 sẽ sửa đổi một số vấn đề. Nếu làm thì đề nghị quy trình thay đổi".

Ông Trần Khánh Hòa - Chủ tịch LĐLĐ TP Cam Ranh (Khánh Hòa) nêu thực trạng: "Thực tế, chúng ta hay chú ý đến hoạt động của CĐCS tại doanh nghiệp, nhưng hiện nay ở các cơ quan hành chính sự nghiệp, việc vi phạm quyền của người lao động là rất nhiều".

Ông Hòa đề nghị Tổng LĐLĐ VN cần có biện pháp, đề xuất "giải phóng" nút thắt lãn công, đình công khi xảy ra tranh chấp, để việc đình công, lãn công diễn ra đúng pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn