MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động làm việc trong doanh nghiệp muốn có thời giờ làm việc bình đẳng như với người lao động trong các cơ quan nhà nước (ảnh minh họa). Ảnh: QUẾ CHI

Cần giảm giờ làm việc cho người lao động

QUẾ CHI LDO | 03/07/2019 09:14

Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện kinh tế xã hội hiện nay đã có thể giảm giờ làm cho người lao động (NLĐ). Bên cạnh đó, giờ làm việc của khối doanh nghiệp (DN) và các cơ quan nhà nước cần bằng nhau, không phân biệt.

Chị N.T.N - một nữ công nhân (CN) đang làm tại một Cty may tại KCN Đại Đồng (Bắc Ninh) - cho biết, chị phải làm từ thứ 2 đến thứ 7. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, chị chỉ biết vùi đầu trong phòng trọ để… ngủ cho hồi sức rồi lại chuẩn bị một vòng quay làm việc của tuần kế tiếp.

Chị N.T.N cho hay, nếu không tăng ca, thu nhập của nữ CN này cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, không đảm bảo trang trải cho cuộc sống, trong khi tăng ca thì được 7 triệu đồng/tháng. Theo chị N.T.N, chỉ có một số ít Cty cho nghỉ 2 thứ 7 mỗi tháng; còn hầu hết CNLĐ vẫn phải làm tất cả các thứ 7, chỉ được nghỉ chủ nhật.

“Cùng là NLĐ, tất nhiên tôi cũng mong được nghỉ cả thứ 7, chủ nhật để có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động cũng như có thêm thời gian chăm lo cho gia đình. Nhưng đã là quy định, CN phải đi làm thôi. Làm thì mới có thêm thu nhập. Do lương thấp, nên CN còn phải làm thêm để có thêm thu nhập, chứ không có cách nào khác”- chị N.T.N chia sẻ.

Theo dự thảo Bộ luật Lao động, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

Đối với nội dung về thời giờ làm việc bình thường trong dự thảo, nhóm hơn 30 tổ chức và cá nhân thuộc 6 mạng lưới/ nhóm làm việc khuyến nghị nên giảm số giờ làm việc xuống 40 giờ/tuần hoặc 44 giờ/tuần. Lý do khuyến nghị này đưa ra là số quỹ giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực: 2.320 giờ/năm. Bên cạnh đó, xu hướng của thế giới hiện nay đang đẩy mạnh việc tăng lương, giảm giờ làm; nếu tăng giờ làm là đi ngược lại với xu hướng của thế giới. Các tiêu chuẩn của khách hàng cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất của Việt Nam phải đáp ứng mức lương đủ sống…

Bên cạnh đó, còn có sự phân biệt giờ làm việc giữa khối DN và các cơ quan nhà nước. Trong khi khối DN, thời giờ làm việc ở mức 48 giờ, thì ở khối cơ quan nhà nước chỉ ở mức 40 giờ. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, điều kiện kinh tế xã hội hiện nay đã có thể giảm giờ làm cho NLĐ.

“Vào thứ 7, tại một số chương trình truyền hình, người dẫn chương trình thường có lời chúc người xem có thời gian ấm áp bên người thân. Nghe những lời chúc này, tôi rất chạnh lòng khi nghĩ đến những NLĐ trong khối DN vẫn phải đi làm cả thứ 7. Cũng là NLĐ, nhưng trong khi ở khu vực nhà nước được nghỉ thứ 7, còn khu vực DN vẫn phải làm” - ông Quảng chia sẻ, đồng thời đề xuất bỏ sự bất bình đẳng giữa các khu vực, kéo thời gian làm việc của hai khu vực bằng nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn