MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên một trường mầm non ngoài công lập nghỉ việc không lương phải bán cháo dinh dưỡng, hoa quả để trang trải cuộc sống trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Phương

Cần hỗ trợ kịp thời cho giáo viên ngoài công lập

Anh Thư - Bảo Hân LDO | 04/04/2020 10:39
Ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian vừa qua, học sinh các trường học đều phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Việc này khiến cho một số trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học ngoài công lập khối trực thuộc, Công đoàn (CĐ) ngành Giáo dục Hà Nội yêu cầu công đoàn cơ sở (CĐCS) các trường ngoài công lập tham gia xây dựng phương án, giám sát việc thực hiện chi trả tiền lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho đối tượng này.

Trường ngoài công lập khó khăn  

Chị N.H.T - giáo viên một trường mầm non của quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, gần một tháng nay, hầu như chị ở trong phòng trọ, không đi ra ngoài. “Sau đợt tôi từ quê lên trường để dọn dẹp vệ sinh, Hà Nội bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm mới. Nếu về quê, tôi và cả nhà phải tự cách ly ở nhà nên đành ở lại Hà Nội” - chị N.H.T cho hay.  

Không có việc làm, thu nhập, chị N.H.T dự định kiếm một công việc vặt nhưng tìm mãi vẫn không được. Trong khi đó, tiền phòng trọ vẫn phải nộp; tiền ăn vẫn phải chi. “Vừa rồi, chủ nhà trọ giảm giá nhà trọ cho tôi từ 3.200.000 đồng xuống còn 3.000.000 đồng/tháng, nhưng do ở nhà nhiều, tiền điện, nước tăng so với bình thường nên tính ra số tiền chi trả cho phòng trọ, điện nước vẫn không thay đổi so với trước. Trong khi đó, thực phẩm lại tăng giá khiến tôi rất lo” - chị N.H.T nói.

Trong tháng 2, chị N.H.T được trường nơi chị làm việc hỗ trợ 2.250.000 đồng; còn tháng 3 chưa thấy. Chị N.H.T mong những trường hợp như chị sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua quãng thời gian khó khăn này.

Là giáo viên gắn bó với Trường THPT T.Đ (Hà Nội) hơn chục năm nay, thầy giáo N.V.H (36 tuổi, quê ở Hải Phòng) cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch, các em học sinh được nghỉ học khá dài. Hiện nay, chúng tôi hướng dẫn các em học tập trực tuyến, giao bài tập, ôn bài cho các em. Để duy trì cuộc sống ổn định và giáo viên yên tâm hơn, nhà trường cũng hỗ trợ chúng tôi theo mức lương tối thiểu vùng quy định của Chính phủ”.

Trong hoàn cảnh này, bà Trần Thị Hương Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Thiên thần nhỏ (đường Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, không chỉ trường mình mà nhiều cơ sở khác đều đang khó khăn, nhất là về tiền thuê nhà bởi đây là số tiền rất lớn. Trường đã đóng tiền thuê nhà trước 1 năm. Số tiền thuê nhà mỗi tháng là 35 triệu đồng/tháng. “Thời gian này, nhà trường không có nguồn thu nào, trong khi đó, mỗi tháng vẫn phải chi ra tổng cộng khoảng 50-60 triệu đồng” - bà Lan nói.

Trong tháng 2, nhà trường đã hỗ trợ lương cho giáo viên. Trong tháng 3, bà Lan nói rằng, vẫn có hỗ trợ nhưng sẽ không được như tháng trước. Bà Lan mong Nhà nước sẽ có chế độ hỗ trợ đối với các giáo viên mầm non ngoài công lập cũng như các trường ngoài công lập để vượt qua quãng thời gian khó khăn này.

Phải chi trả trợ cấp mất việc cho giáo viên

CĐ ngành Giáo dục Hà Nội đã có văn bản gửi chủ tịch CĐ các đơn vị ngoài công lập trực thuộc để hướng dẫn trả lương cho cán bộ giáo viên, nhân viên trong thời gian ngừng việc do dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở để CĐCS giám sát việc thực hiện. 

Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học ngoài công lập khối trực thuộc, CĐ ngành Giáo dục Hà Nội yêu cầu CĐCS các trường ngoài công lập tham gia xây dựng phương án, giám sát việc thực hiện chi trả tiền lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc ngừng việc do đơn vị dừng hoạt động vì bị phong tỏa do dịch COVID-19 thì tiền lương được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận, nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. 

Nếu thời gian ngừng việc kéo dài, đơn vị không còn khả năng chi trả thì chủ đơn vị và cán bộ, giáo viên, nhân viên có thể thỏa thuận việc tạm hoãn hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc hưởng một phần lương (theo Điều 32, Bộ luật Lao động). Tuy nhiên, trường hợp này phải được sự đồng ý bằng văn bản của cán bộ, giáo viên, nhân viên.  

Trong trường hợp nhà trường phải sắp xếp thu hẹp hoạt động dạy và học, cắt giảm chỗ làm việc hoặc dừng hoạt động thì CĐ cần tham gia xây dựng, thực hiện phương án sử dụng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên (theo Điều 38 và Điều 44, Bộ luật Lao động). Trong trường hợp này, nhà trường phải chi trả trợ cấp mất việc làm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn