MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Vina Haeng Woon Industry có chủ doanh nghiệp bỏ trốn từ năm 2008, đến nay đã 11 năm, vẫn chưa được giải quyết quyền lợi.

Cần làm rõ thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn để chấm dứt HĐLĐ

NAM DƯƠNG LDO | 19/07/2019 12:57

Đây là ý kiến được nhiều đại biểu góp ý tại Hội nghị tham vấn lấy ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi (dự thảo) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức sáng 18.7 tại TPHCM.

Theo quy định tại khoản 7, điều 34 của dự thảo, “HĐLĐ sẽ chấm dứt khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc chủ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn”. Khoản 1 điều 45 dự thảo quy định: “Trường hợp chủ DN bỏ trốn thì cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh ra thông báo chủ DN bỏ trốn. Thời điểm chấm dứt HĐLĐ được tính kể từ ngày ra thông báo”.

Việc dự thảo đưa vào quy định cơ quan đăng ký kinh doanh được phép thông báo chủ DN bỏ trốn để làm cơ sở chấm dứt HĐLĐ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế là thời gian vừa qua có hàng trăm chủ DN bỏ trốn khiến rất nhiều bên liên quan vướng mắc. Đặc biệt là người lao động (NLĐ) vô cùng khốn đốn vì không những bị nợ lương mà còn không chốt được sổ BHXH.

Nhiều ý kiến tại hội thảo tranh luận về việc nên giao cho cơ quan đăng ký kinh doanh hay UBND cấp tỉnh được quyền thông báo chủ DN bỏ trốn để làm cơ sở chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tiêu chí để xác định thế nào là chủ DN bỏ trốn thì lại không được giải thích trong dự thảo và trong cả hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành. Thực tế, quy định về DN có chủ bỏ trốn chỉ mới được đề cập tại Thông tư liên tịch 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC của liên Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính (Thông tư 06) để hướng dẫn thực hiện Điều 2, Quyết định 30/2009/QĐ-TTG (QĐ 30) của Thủ tướng Chính phủ “Về việc hỗ trợ đối với NLĐ mất việc làm trong DN gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”. Theo đó, Thông tư 06 quy định: “DN có chủ DN bỏ trốn là DN không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của NLĐ và được UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền xác định”. Nhưng điều 2, QĐ 30 lại quy định: “Đối với NLĐ bị mất việc làm tại DN mà chủ DN bỏ trốn trong năm 2009...”. Như vậy, QĐ 30 đã “khoanh vùng” thời gian năm 2009, nên về nguyên tắc, quy định tại Thông tư 06 cũng sẽ không còn hiệu lực tại thời điểm này. Do đó, điều quan trọng nhất là trong dự thảo cần có điều khoản giải thích từ ngữ để xác định thế nào là chủ doanh nghiệp bỏ trốn, hoặc tại khoản 7, điều 34 của dự thảo cần quy định đầy đủ “HĐLĐ sẽ chấm dứt khi NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn