MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức. Ảnh: Lê Phương

Cần lộ trình, bước đi cụ thể

Lương Hạnh LDO | 10/01/2024 10:21

Ông Tô Đức - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTBXH cho biết: Hiện, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thúc đẩy việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Sau khi triển khai, đã đạt được một số thành tựu: 63 tỉnh, thành phố đều ban hành kế hoạch để thực hiện nội dung này, trong đó có 54/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho một số nhóm đối tượng an sinh xã hội.

“6 tỉnh thí điểm thực hiện chính sách an sinh xã hội mang tính chỉ đạo chung, xây dựng quy trình, hỗ trợ kỹ thuật... Việc này sẽ thay đổi hoàn toàn hiệu quả chi trả, tác động đến đời sống của đối tượng hưởng chính sách an sinh. Do đó, cần có một lộ trình, bước đi cụ thể” - ông Tô Đức nhận định.

Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay có khoảng 5 triệu người được hưởng chính sách an sinh xã hội trong đó có khoảng 20% đã có tài khoản; nhiều người trong số này đều mong muốn chi trả trợ cấp qua tài khoản. Ông Tô Đức cũng nêu ra một số khó khăn khi thực hiện việc chi trả an sinh xã hội. Theo đó, đối tượng hưởng chính sách an sinh phần lớn là người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa; người tâm thần, khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; trẻ em mồ côi bị bỏ rơi… Những nhóm đối tượng hết sức yếu thế cần Nhà nước quan tâm, chăm sóc. Do đó, việc sử dụng các trang thiệt bị di động, công nghệ thông tin để làm công cụ giao dịch còn tâm lý e ngại, muốn thực hiện bằng tiền mặt. Nhóm đối tượng yếu thế như người cao tuổi, khuyết tật… còn cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền, cho người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc đứng ra nhận tiền thay thông qua tài khoản ủy quyền… Chưa kể, một số nhóm đối tượng an sinh ở vùng sâu, vùng xa… hạn chế vì cây ATM rút tiền chỉ đặt tại trung tâm thành phố.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức nhấn mạnh, việc chi trả an sinh xã hội qua tài khoảng để quyền lợi của người dân được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, không gây khó cho người dân. Mục tiêu cuối cùng là người dân được hưởng lợi đầy đủ, trọn vẹn và kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn