MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: VŨ LONG

Cần lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp cho người lao động

Khánh Vũ thực hiện LDO | 20/12/2023 15:00

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - chia sẻ với Lao Động về việc cần tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Thưa bà, lần điều chỉnh lương gần nhất (ngày 1.7.2022), mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh trung bình 6%, song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều, tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7% do ảnh hưởng của lạm phát. Quan điểm của bà về vấn đề này?

- Việt Nam đã duy trì được ổn định KTXH, kiểm soát lạm phát vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của nước ta tăng 1,84% so với năm trước, năm 2022 tăng 3,15% và bình quân 11 tháng năm 2023 tăng 3,22%.

Lạm phát được kiểm soát thành công do có sự điều hành sát sao và quyết liệt của Chính phủ. Cụ thể, khắc phục tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ trong nửa cuối năm 2022, thực hiện các chính sách miễn, giảm giá điện, giá nước sạch sinh hoạt, dịch vụ hàng không, dịch vụ giáo dục…, giảm chi phí, giá thành hàng hóa thông qua việc giảm thuế VAT... góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển KTXH.

Với mức lạm phát nêu trên, bà có khuyến nghị gì? Ví như việc cơ quan có thẩm quyền cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của việc tăng lương cho NLĐ?

- Tốc độ tăng CPI và tốc độ tăng mức lương tối thiểu vùng có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Tăng lương tối thiểu vùng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên. Khi sức mua tăng lên thì quan hệ cung cầu sẽ thay đổi và sự thay đổi đó ảnh hưởng đến giá cả, làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng lên. Do đó, tăng lương tối thiểu vùng cũng được xem là một trong những yếu tố tác động đến tăng giá tiêu dùng của dân cư.

Ngược lại, khi CPI tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư vì giá hàng hóa và dịch vụ tăng với một lượng tiền lưu thông không đổi thì khối lượng hàng hóa tiêu dùng của người dân ít hơn, do đó Nhà nước cần có các giải pháp để ổn định đời sống của dân cư, trong đó có thể thực hiện giải pháp tăng mức lương tối thiểu vùng cho NLĐ.

Thực tế cho thấy, CPI và mức lương tối thiểu vùng có xu hướng tăng dần qua các năm theo các mức độ khác nhau. Bình quân 15 năm (từ 2008-2022), tốc độ tăng CPI đạt 6,43%/năm, trong đó năm 2008 có tốc độ tăng CPI cao nhất là 22,97% so với năm trước và năm 2015 có tốc độ tăng so với năm trước thấp nhất là 0,63%. So với năm 2008, CPI năm 2022 tăng 107%.

Đối với mức lương tối thiểu vùng, tốc độ tăng bình quân mỗi năm giai đoạn 2008-2022 khoảng 16,7%, trong đó năm 2012 có mức tăng lương tối thiểu vùng cao nhất là khoảng 48% so với năm trước (tăng 650.000 đồng đối với vùng 1), riêng năm 2021 không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng. So với năm 2008, lương tối thiểu vùng năm 2022 gấp khoảng 7,5 lần.

Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng cao hơn so với tốc độ tăng của CPI. Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, trước khi Việt Nam chịu tác động của đại dịch COVID-19, tính đến tháng 11 năm nay thì CPI bình quân tăng 11,93%, tương ứng với mức tăng 11,85% của mức lương tối thiểu vùng bình quân áp dụng từ ngày 1.7.2022 so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1.1.2019.

Bên cạnh đó, theo khảo sát tình hình đời sống hộ dân cư của Tổng cục Thống kê tháng 7.2023, các hộ gia đình đánh giá nguyên nhân chính làm thu nhập giảm là do các thành viên trong hộ gia đình bị mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc. Kết quả cho thấy đời sống của các hộ gia đình đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để NLĐ bớt khó khăn, tạo thêm động lực gắn bó với DN, phát triển KTXH.

Khảo sát về đời sống LĐ nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam cho thấy, thu nhập chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của NLĐ cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện nước tăng cao. Ý kiến của bà về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng sắp tới?

- Việc xác định mức lương tối thiểu vùng cần dựa trên nhiều yếu tố như mức sống tối thiểu của NLĐ và hộ gia đình, tương quan giữa mức lương tối thiểu vùng và mức lương trên thị trường, CPI, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung, cầu lao động, việc làm, thất nghiệp và năng suất lao động nhưng phải đảm bảo khả năng chi trả lương của DN.

Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách KTXH. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống NLĐ và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của NLĐ, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Do đó, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần nghiên cứu diễn biến tình hình KTXH, sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, cũng như các yếu tố liên quan khác và quy định của pháp luật để đưa ra lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp cho NLĐ.

- Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn