MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đới sống, việc làm của người lao động đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Đình Trọng

Cần miễn thuế để chia sẻ khó khăn với người lao động

Bảo Hân - Lê Hoa LDO | 03/09/2020 07:32
Trao đổi với Báo Lao Động, các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quan hệ lao động đồng tình cho rằng, không nên thu thuế 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp hỗ trợ người lao động (NLĐ) nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bởi đây là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt trong nhiều năm của NLĐ. Hơn nữa, khi bị mất việc, họ đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn.

Trợ cấp khó khăn thì không nên thu thuế!

Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, Tổng LĐLĐVN vẫn tiếp tục đề nghị không thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 10% đối với khoản tiền doanh nghiệp (DN) hỗ trợ NLĐ nghỉ việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều đó nhằm hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn, tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thẩm quyền là ở Quốc hội vì liên quan đến Luật Thuế. 

Vẫn như những lần đề nghị trước, quan điểm của Tổng LĐLĐVN: Đây là tiền trợ cấp cho NLĐ lúc khó khăn nên không nên thu thuế. NLĐ có thời gian công tác lâu năm tại DN thì mới được nhận số tiền trợ cấp này - tính theo số năm họ công tác tại đơn vị. Mục tiêu của khoản tiền này là để giúp đỡ NLĐ trong lúc khó khăn tìm được việc làm mới; ổn định đời sống trong lúc chưa tìm được việc làm mới. 

Đối với những người có khoản thu nhập nào đó bổ sung thêm, tiền thưởng, thì việc chịu thuế là hết sức bình thường. Nhưng đây không phải tiền thưởng mà là khoản trợ cấp khó khăn. 

Bên cạnh đó, nhiều người sau khi nghỉ việc có thể không ở lại đơn vị cũ nữa, cũng như khó tìm đến cơ quan thuế để truy hồi tiền. Vì vậy, Tổng LĐLĐVN vẫn đề nghị nên có chính sách hỗ trợ cho những NLĐ bị mất việc, nghỉ việc, ít nhất trong thời gian khủng hoảng này; nếu qua giai đoạn khó khăn này thì tiếp tục thực hiện tiếp. Nếu thực hiện được như vậy, đây cũng là một chính sách hỗ trợ NLĐ trong lúc họ khó khăn, vượt qua dịch bệnh. Theo bà Ngân, nếu hỏi người dân, nhiều người sẽ đồng ý là không thu thuế đối với những trường hợp này. 

Mồ hôi, nước mắt của người lao động

Bà Vũ Thị Minh Phượng - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các KCN tỉnh Hà Nam - cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến của bà Ngân. “Đây là tiền mồ hôi nước mắt của NLĐ đóng góp, cống hiến cho DN trong nhiều năm. Vì lý do bất khả kháng nên DN phải bồi thường cho NLĐ để NLĐ đi tìm việc khác cũng như chi trả cho cống hiến nhiều năm của NLĐ, nên theo tôi không phải thu thuế. NLĐ không phải dễ dàng mà có được khoản tiền này. Họ phải đánh đổi bằng nhiều thứ trong nhiều năm mới có được” - bà Phượng phân tích. 

Ông Nguyễn Xuân Tường - Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho hay: Liên quan đến đề nghị không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp mà doanh nghiệp hỗ trợ NLĐ khi bị mất việc thuộc phần phụ trách của Bộ Tài chính.

Nếu Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐTBXH cho ý kiến, phía Bộ LĐTBXH sẽ có đóng góp ý kiến. “Vấn đề này cần làm đúng quy trình vì liên quan đến quy định của luật, muốn thông qua thì Bộ Tài chính chủ trì lấy ý kiến và trình lên Chính phủ và Quốc hội xem xét” - ông Trường thông tin.

Bày tỏ ý kiến cá nhân nên hay không thu thuế TNCN khoản tiền này, ông Trường chia sẻ: Để đảm bảo an sinh, không nên thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp này.

Theo tính toán sơ bộ của Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, đến hết tháng 6, có 7,8 triệu lao động (LĐ) bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. LĐ khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%; tiếp đến là 67% khu vực công nghiệp; 25,1% khu vực  nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Số LĐ bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó LĐ mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người. LĐ mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, LĐ trong ngành bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và LĐ trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống...

Những khó khăn của thị trường LĐ được thể hiện qua việc người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương 565.000 người). Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 7.000 tỉ đồng, tăng 40% so với năm 2019.  Anh Thư (tổng hợp)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn