MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân phải được đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội. Ảnh minh họa: Bảo Hân

Cần nắm bắt biểu hiện để giải quyết kịp thời

Bảo Hân - Anh Thư LDO | 28/05/2020 11:00
Thời gian gần đây, cả nước xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể liên quan đến vi phạm của chủ sử dụng lao động trong vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH). Để hạn chế tình trạng này, ngoài vai trò quản lý của cơ quan nhà nước về lao động, chính quyền địa phương thì vai trò của tổ chức công đoàn, trực tiếp là công đoàn cơ sở rất quan trọng.

Nhiều vụ ngừng việc do bị vi phạm về BHXH

Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 22.5.2020. Gần 1.000 công nhân (CN) Cty TNHH Seethings (KCN Đồ Sơn, Hải Phòng) ngừng việc tập thể vì doanh nghiệp (DN) đột ngột thông báo không trả khoản thưởng Tết đã nợ từ lâu, không đóng BHXH.

Trước đó, vào tháng 1.2020, CN Công ty TNHH Sung Jin Vina (100% vốn Hàn Quốc, tại tỉnh Phú Thọ) đã ngừng việc tập thể. Bên cạnh đòi hỏi trả lương tháng 13, CN yêu cầu Cty phải đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ) đầy đủ để họ được hưởng quyền lợi về BHXH.

Vào tháng 8.2019, hơn 2.000 CN Cty TNHH KaiYang Việt Nam (Hải Phòng) tập trung trước cổng Cty đòi quyền lợi vì ban giám đốc mới không điều hành, Cty tạm ngừng hoạt động sau khi giám đốc bỏ trốn. CN đã dừng làm việc yêu cầu DN thanh toán toàn bộ lương tháng 7.2019, giải quyết chế độ BHXH…

Vi phạm quyền của người lao động

Trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - cho biết, những vụ việc DN không trả lương hoặc nợ BHXH của NLĐ thuộc về vấn đề vi phạm quyền của NLĐ. Cụ thể, đây là hành vi vi phạm quyền làm việc có trả lương cũng như quyền được tham gia và hưởng BHXH của NLĐ.

Theo bà Ngân, khi có hành vi vi phạm về pháp luật như này thì NLĐ, tổ chức CĐ cần phản ánh tới cơ quan chức năng. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương hoặc ủy ban nhân dân địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ. 

“Quan trọng là khi có ý kiến của NLĐ cũng như của tổ chức CĐ, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp cùng CĐ vào cuộc ngay để nắm tình hình, cũng như yêu cầu DN tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Cơ quan nhà nước sẽ điều tra, đánh giá, làm rõ nguyên nhân vi phạm. Nếu vì lý do bất khả kháng, như bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh COVID-19, DN gặp khó khăn thật sự thì phải trả lời cho NLĐ về phương án trả lương và BHXH để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Trường hợp phát hiện DN không gặp khó khăn nhưng cố tình vi phạm pháp luật, không trả lương, không đóng BHXH cho NLĐ như đúng phản ánh thì phải kiên quyết xử lý nghiêm để răn đe và đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm (thời gian dài, tái phạm, số tiền lớn, gây thiệt hại cho nhiều người lao động…) sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định” - bà Ngân cho hay. 

Bà Hồ Thị Kim Ngân cũng cho rằng, CĐCS là tổ chức ở tại DN, gần với NLĐ nên cũng cần phải nắm được tình hình sản xuất kinh doanh của DN, cũng như biết được tình hình chi trả tiền lương, việc đóng BHXH cho NLĐ, hay nói cách khác là cần nắm bắt được “biểu hiện của bệnh” để “phòng bệnh” và ngăn chặn “bệnh” từ sớm. Nếu thấy hiện tượng như DN chậm trả lương, thông báo hằng tháng của cơ quan BHXH về việc chậm đóng BHXH cho NLĐ, hoặc thấy việc giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ tại DN không được kịp thời, CĐCS cần sớm nắm bắt, trao đổi, phản ánh với lãnh đạo DN về ý kiến của NLĐ; phân tích cho người sử dụng lao động hiểu những hành vi đó là không tuân thủ pháp luật và vi phạm quyền lợi của NLĐ.

“Nếu cảnh báo rồi mà DN không có động thái nào khắc phục, cần báo cáo với CĐ cấp trên, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn để phối hợp vào làm việc với DN, giải quyết sớm để tránh xảy ra các vụ việc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể lớn hơn, phức tạp hơn”- bà Ngân nói.

Từ năm 2016 đến hết 2019, toàn ngành BHXH đã thanh tra được 20.202 DN, qua đó phát hiện và yêu cầu DN làm thủ tục tham gia BHXH, BHYT cho 161.268 lao động với số tiền truy thu gần 354 tỉ đồng; yêu cầu DN làm thủ tục truy đóng cho 155.058 lao động với số tiền trên 157 tỉ đồng. Sau thanh tra, đã ban hành 2.028 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 75 tỉ đồng; tỉ lệ khắc phục nợ của các đơn vị đạt 42%. Anh Thư

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn