MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng cần trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động, trong đó phải tuân thủ sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: QUẾ CHI

Cần nâng cao kiến thức an toàn của người trẻ tuổi (kỳ cuối)

QUẾ CHI LDO | 24/04/2018 11:00
Như nhận xét của một chuyên gia an toàn lao động của Bộ LĐTBXH, hiện có tình trạng nhiều lao động (LĐ) trẻ mới chỉ “học để làm chứ chưa học để an toàn”. Điều đó đặt ra yêu cầu tăng cường kiến thức của LĐ trẻ về vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vốn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính NLĐ.

>>> Kỳ 1: An toàn lao động cho lao động trẻ

Chưa chú trọng đến kiến thức về an toàn 

Báo Lao Động đã từng phản ánh về vụ việc anh Nguyễn Văn Nghiệp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị tai nạn lao động (TNLĐ) khi làm việc tại Cty TNHH Thành Thịnh. Anh bị băng chuyền tải đất cuốn đứt cánh tay trái đến khớp bả vai.

Điều đáng nói, anh Nghiệp cho biết, khi anh được nhận vào làm công nhân (CN) của Cty, anh không hề được Cty tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho mình, trong khi đó làm gạch ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm cho NLĐ. Điều này được thể hiện rõ ràng khi Cty bị Sở LĐTBXH phạt 3 triệu đồng vì hành vi không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động.

Anh Nghiệp cũng chia sẻ thật thà rằng, NLĐ đi làm chủ yếu quan tâm đến những đồng tiền thu nhập hằng tháng; chưa hiểu được rằng mình có quyền đòi hỏi chủ sử dụng LĐ phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho mình; được huấn luyện ATVSLĐ. Vì miếng cơm manh áo, hơn nữa lại kém hiểu biết, yếu thế nên nhiều LĐ trẻ chấp nhận làm tại những nơi điều kiện an toàn lao động chưa đảm bảo.

Như anh Nghiệp, nhiều NLĐ, để tránh TNLĐ trong quá trình làm việc, chủ yếu là qua nghe hướng dẫn sơ sài; đồng thời quan sát người khác để học tập. Nhiều LĐ trẻ vẫn chưa biết mình có quyền từ chối làm việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ xảy ra TNLĐ đe dọa nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe của mình và chỉ trở lại làm việc khi các nguy cơ đó đã được khắc phục.

Bên cạnh đó, nhiều chủ sử dụng LĐ, nhất là những Cty nhỏ, sản xuất hộ gia đình vẫn còn ít quan tâm đến công tác huấn luyện ATVSLĐ.

Cần tăng cường giáo dục an toàn nghề nghiệp

Mới đây, diễn đàn do Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức với chủ đề “Vì một thế giới an toàn và khỏe mạnh: Cải thiện ATVSLĐ cho LĐ trẻ” đã thu hút nhiều sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Tại đây, những sinh viên - đang trong tuổi LĐ trẻ - đã chia sẻ những khó khăn, thách thức của họ trong việc tiếp cận một môi trường làm việc đảm bảo ATVSLĐ; cũng như đề xuất những kiến nghị, giải pháp để các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về ATVSLĐ có thêm kênh thông tin, từ đó nghiên cứu xây dựng những kế hoạch hành động, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm đẩy mạnh thực thi công tác ATVSLĐ.

Chia sẻ với phóng viên, một sinh viên cho biết, ở phổ thông cũng như đại học, các nhà trường thường chú trọng giảng dạy về kiến thức; còn rất ít truyền đạt thông tin về ATVSLĐ. Ngay cả bản thân sinh viên cũng thờ ơ, ít tìm hiểu các quy định của luật pháp cũng như các kiến thức khác về ATVSLĐ về bảo đảm an toàn thân thể, tinh thần cho mình.

Tại diễn đàn này, khi một diễn giả hỏi những sinh viên nào đã đọc Hiến pháp, chỉ có 1 cánh tay giơ lên; còn đối với Luật Thanh niên, không một ai cho biết mình đã đọc.

Theo tổ chức ILO, một trong những giải pháp để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong LĐ trẻ là lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào giáo dục phổ thông và dạy nghề. Bà Valentina Offenloch (dự án An toàn cho lao động trẻ tại nơi làm việc, ILO Geneva) chia sẻ, tại các nước phát triển, giáo dục sức khỏe an toàn nghề nghiệp là một việc làm rất phổ biến.

“Các nước này đều đặt vấn đề sức khỏe an toàn nghề nghiệp vào giáo dục, coi đây là giáo dục chính thức. Vì vậy, khi họ học nghề, học việc, họ sẽ học cách bảo vệ chính mình” - bà Valentina Offenloch cho biết. Bà Valentina Offenloch ví dụ, ở Ấn Độ, ngay cả trẻ nhỏ cũng đều được dạy phòng chống tai nạn; ở các quốc gia phát triển đều có chương trình đào tạo thạc sĩ về an toàn sức khỏe nghề nghiệp. Vì vậy, trước khi thực hành làm việc thì NLĐ đã được giáo dục rất tốt về vấn đề này.

“Nhớ cách để làm việc, thì phải hiểu cách để làm việc một cách an toàn” - bà Valentina Offenloch đưa ra lời khuyên.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) - cho biết, thời gian qua, việc lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào học đường đã được tiến hành tại Việt Nam. Để triển khai chương trình quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2016-2020, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã dành một khoản ngân sách tập trung phát triển các chương trình đào tạo về ATVSLĐ trong các nhà trường, trước tiên áp dụng trong các trường dạy nghề, đại học, cao đẳng.

Mục tiêu của hoạt động này không chỉ dừng lại ở đối tượng học sinh, sinh viên trong các trường dạy nghề, mà sẽ mở rộng tới các học sinh trong các trường THPT, THCS và các cơ sở đào tạo khác.

Theo ông Thơ, cũng cần trang bị các nội dung này trong chương trình cải cách giáo dục sắp tới, cụ thể là nâng cao các nội dung về kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng làm việc an toàn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn