MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do bị Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội nợ BHXH kéo dài nên đời sống của người lao động tại Nhà máy Dệt chi nhánh Hà Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Anh

Cần nghiên cứu để cơ quan Bảo hiểm xã hội khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Hà Anh LDO | 13/04/2023 09:34

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét, quy định quyền khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho cả cơ quan BHXH để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước theo thủ tục vụ án dân sự như Luật BHXH (năm 2006) từng quy định.

Về Công đoàn khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động, Tổng LĐLĐVN cho biết, theo quy định của Luật BHXH 2014, chức năng khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động được chuyển giao cho tổ chức công đoàn thực hiện (điểm d, khoản 1 Điều 14 Luật BHXH 2014).

Người lao động phản ánh việc Công ty Cổ phần khoá Minh Khai nợ hơn 12 tỉ đồng tiền BHXH của người lao động. Ảnh: Hà Anh

Thực hiện quyền hạn được giao trong Luật BHXH 2014, 7 năm qua, trên cả nước, tổ chức Công đoàn đã gửi hàng nghìn hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện.

Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện là “không đáng kể” bởi còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là sự bất cập, chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật.

Hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 đạo luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng bốn luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Cụ thể, có luật quy định công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là công đoàn có quyền khởi kiện.

Việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho công đoàn cơ sở (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, bên cạnh việc tiếp tục duy trì quyền và trách nhiệm đối với công đoàn (cả công đoàn cấp trên cơ sở) được khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động (điểm c, khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật BHXH sửa đổi), thì cần nghiên cứu, xem xét, quy định quyền khởi kiện ra tòa án đối với các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH cho cả cơ quan BHXH để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước theo thủ tục vụ án dân sự như Luật BHXH (năm 2006) từng quy định.

Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN đồng tình cao với việc Dự thảo Luật lần này đã bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thu BHXH và trách nhiệm người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cũng như việc bổ sung đồng bộ các biện pháp xử lý hành chính, kinh tế, tư pháp… góp phần hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Tuy nhiên, việc quy định Công đoàn và BHXH được quyền khởi kiện khi đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính, kinh tế như quy định tại khoản 4 Điều 44 dự thảo luật là chưa phù hợp.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn