MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống của nhiều công nhân lao động còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Cân nhắc kỹ lưỡng phương án quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

ANH THƯ-BẢO HÂN LDO | 10/03/2023 06:00
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến bổ sung phương án mới chỉ giải quyết một phần, tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng bảo hiểm khi rút bảo hiểm xã hội dù chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Trong khi nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân lao động muốn giữ nguyên quy định như hiện nay thì các chuyên gia cho rằng, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng vì phương án nào cũng có mặt được và mất.

Nhiều người lao động muốn giữ nguyên quy định như hiện nay

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ra hai phương án. Phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động sẽ được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Cơ quan soạn thảo dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi nêu quan điểm giới hạn chặt hơn việc rút bảo hiểm một lần.

Phương án 2 được đưa ra là, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Phương - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty UIL (Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) - cho rằng, người lao động đều là những người khó khăn, nếu phải rút bảo hiểm xã hội thì họ muốn rút toàn bộ, sau đó có đi làm thì mới nộp bảo hiểm xã hội tiếp; nếu chỉ rút được 50% thì bao giờ mới được hưởng 50% còn lại?.

“Phần lớn người lao động mà tôi biết, đều mong muốn nếu rút bảo hiểm xã hội một lần thì được hưởng 100% luôn” - bà Phương cho hay.

Ngoài ra, theo bà Phương, sau này rút 50% còn lại thì giá trị đồng tiền bị giảm đi, nên mong muốn của nhiều người lao động là được hưởng 100% như hiện nay, nếu họ phải rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Bà Bành Hải Ninh - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh chưa thể khảo sát ý kiến của công nhân về đề xuất này.

“Nhưng qua nắm nguyện vọng của công nhân lao động thì nhiều người muốn rút 100% nếu phải rút bảo hiểm xã hội một lần” - bà Ninh cho biết.

Cân nhắc trước hai phương án

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần được mọi người đặc biệt quan tâm.

Thời gian vừa qua, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, phương án về bảo hiểm xã hội một lần luôn được mọi người quan tâm.

“Tôi cho rằng, các phương án hiện nay được dự thảo đưa ra là phương án khả thi, đạt được bản chất của bảo hiểm xã hội một lần và đáp ứng nhu cầu linh hoạt, cấp bách của một bộ phận người lao động do mất việc làm cần trang trải trước mắt.

Đồng thời, qua những phương án được đề xuất cũng thấy được tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, làm sao giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, tăng quyền lợi cho người lao động khi bảo lưu thời gian để hưởng chế độ hưu trí” - ông Quảng nói.

Phân tích về từng phương án đề xuất, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật Tổng LĐLĐVN cho hay, phương án thứ nhất giữ nguyên quy định như hiện nay sẽ tạo ra những thuận lợi cho người lao động. Để thực hiện phương án này, cần tăng cường truyền thông để họ thấy được lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội hưu trí, đây là chính sách an sinh xã hội lâu dài.

“Qua đó, người lao động hiểu được rằng, khi không quá khó khăn, người lao động sẽ cố gắng duy trì tham gia bảo hiểm xã hội, để sau này có lương hưu. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đảm bảo thực thi pháp luật để người lao động có niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội” - ông Quảng nhấn mạnh.

Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Tổng thể, nếu thực hiện phương án giữ nguyên quy định như hiện nay, ông Quảng cho rằng, cần tăng cường cải thiện đời sống của người lao động, tạo việc làm bền vững. Người lao động không có tích luỹ, cho nên, khi nghỉ việc sẽ tính toán đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo ông Quảng, về phương án thứ hai, người lao động gặp những khó khăn trước mắt vẫn có phần nhận bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó, phần còn lại được bảo lưu đến khi người lao động hưởng chế độ hưu trí. 

“Mỗi phương án đều có thuận lợi và bất cập, vì vậy, cần cân đối tổng thể. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chọn phương án nào cũng cần tuân thủ theo chỉ đạo của Nghị quyết 28, giảm thiểu tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, tăng cường quyền lợi cho người lao động để ở lại trong hệ thống” - ông Quảng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn