MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Vũ Minh Tiến - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Cần nhiều hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Nam Dương LDO | 21/03/2024 11:13

Ban Thanh tra nhân dân đã góp phần thúc đẩy thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Hội thảo góp ý kiến Dự thảo hướng dẫn về công đoàn với việc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng 21.3.

Tham gia hội thảo có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ LĐTBXH và gần 50 cán bộ công đoàn khu vực phía Nam.

Ông Vũ Minh Tiến - Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động.

Ban Thanh tra nhân dân đã góp phần thúc đẩy thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị sớm phát hiện những tồn tại trong công tác quản lý, điều hành để sớm điều chỉnh bảo đảm đúng pháp luật, và đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần tích cực vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Các đại biểu tham gia hội thảo. Ảnh: Nam Dương

Tuy nhiên, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn một số hạn chế, đồng thời với việc thay đổi những quy định của pháp luật, nên cần thiết phải xây dựng lại hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra nhân dân…

Việc đóng góp ý kiến của các cán bộ công đoàn trong đó có các cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra nhân dân sẽ giúp cho hướng dẫn hoàn chỉnh, sát với thực tiễn.

Tại hội thảo, một số ý kiến góp ý hướng dẫn cần làm rõ trường hợp đặc thù không thành lập Ban Thanh tra nhân dân là những trường hợp nào, trách nhiệm thuộc về ai khi không thành lập Ban Thanh tra nhân dân; đối tượng không tham gia Ban Thanh tra nhân dân, quy trình làm nhân sự của Ban Thanh tra nhân dân trong đơn vị sự nghiệp, việc chuẩn bị nhân sự có phải báo cáo cấp ủy cơ quan hay chỉ do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở chuẩn bị, quyết định; thể lệ bầu cử và thời gian ra quyết định chuẩn y Ban Thanh tra nhân dân sau khi được bầu…

Đại biểu phát biểu đề nghị cần làm rõ nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn. Ảnh: Nam Dương

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm Ban Thanh tra nhân dân có phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan hay không hay chỉ báo cáo Ban chấp hành Công đoàn cơ sở; làm rõ nội dung kiểm tra tài chính của Ban Thanh tra nhân dân, nội dung đề nghị Ban Thanh tra nhân dân đi xác minh theo đề nghị của cán bộ, công chức, viên chức, kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân do chính quyền hay công đoàn cơ sở chi và nên có quy chế mẫu, biểu mẫu hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn