MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong muốn có thêm ngày nghỉ lễ trong năm. Ảnh: T.VƯƠNG

Cần quan tâm đến sức khỏe của người lao động

ÁI VÂN - CAO NGUYÊN LDO | 20/09/2019 11:33

Chia sẻ với Lao Động, đại biểu Trần Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) nói rằng, bà rất vui khi nghe tin này. Đây là hướng mà các nước phát triển đang áp dụng. Người lao động (NLĐ) phải có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo lại sức lao động và người sử dụng lao động phải ưu ái việc đó. Theo bà Khánh, nếu Nhà nước có chính sách như vậy thì rất tốt.

“Trong cơ chế thị trường này, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN của nước ngoài, họ lao động ở Việt Nam là tăng giờ làm. Tăng giờ làm thì NLĐ cũng có thêm tiền nhưng ngược lại, rất hại cho sức khỏe. Việc quy định như vậy là định chế luật luôn” - bà Khánh nói và cho biết thêm, từ nay trở đi thực sự phải quan tâm đến NLĐ. Việc đề xuất giảm còn 44 giờ/tuần là rất đáng hoan nghênh.

Cũng theo vị đại biểu này, nhiều khi DN tận dụng hết sức của những NLĐ chân tay. Họ làm thêm thì họ cũng không biết được rằng mình đang bán quá nhiều sức lao động. “Làm quá sức như vậy không có tiền thuốc nào chữa nổi, cho nên đây là hướng có lợi cho NLĐ. Đặc biệt, khi hội nhập sâu vào quốc tế, khi các DN không do nhà nước quản lý mà nước ngoài quản lý thì cần phải quy định rõ và cụ thể để có lợi nhất cho NLĐ”, bà Khánh chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm trên, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, NLĐ, nhất là lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất đang chịu áp lực vô cùng nặng nề về giờ giấc làm việc. “Trong rào, ngoài rào, áp lực làm việc 8 tiếng một ngày rất căng thẳng. Nếu duy trì 48 giờ/tuần thì rất áp lực, NLĐ sẽ không còn sức để làm việc khác nữa”, bà An nêu quan điểm.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nói rằng, đề xuất của Tổng LĐLĐVN là rất phù hợp với NLĐ. Đề xuất này cũng đảm bảo tính công bằng giữa cán bộ công chức, viên chức, người nhà nước với NLĐ. Tất nhiên, các đại biểu có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về việc này. Ở góc độ DN, chắc chắn họ sẽ phản đối.

“Thực hiện được mục tiêu của Tổng LĐLĐVN thì rất hay, rất hợp với NLĐ. Nhưng để làm được hay không và đúng hay sai, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cần phải vào cuộc thẩm tra để bày tỏ quan điểm của mình. Khi có thẩm tra, lúc đó Quốc hội sẽ cho ý kiến đồng tình hay không. Thứ hai, quá trình triển khai thực hiện phải xin ý kiến của Đảng để đảm bảo duy trì sự tán thành ủng hộ nhà nước. Tôi ủng hộ NLĐ, làm mọi thứ có lợi cho NLĐ nhưng ảnh hưởng đến doanh nghiệp thì không nên. Chúng ta phải hài hòa, đảm bảo tính công bằng cho cả đôi bên” - ông Phương nói.

Tổng LĐLĐVN cho biết, sau 2 ngày thăm dò ý kiến “Giảm giờ làm: Nên hay không” trên trang Facebook Công đoàn Việt Nam, kết quả 82% trong số những người tham gia cuộc khảo sát chọn giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn