MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội thảo chuyên đề “Thực trạng, giải pháp đổi mới tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong các cấp CĐ” do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 19.11. Ảnh: BẢO HÂN

Cần quan tâm khen thưởng đến người lao động trực tiếp

BẢO HÂN LDO | 20/11/2019 12:28

Trong những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, các phong trào thi đua có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động (NLĐ) hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, theo cán bộ công đoàn và các chuyên gia thì công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế.

Công nhân viết báo cáo còn khó hơn là nghĩ sáng kiến

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu, nhiều NLĐ có sáng kiến tốt nhưng lại không có khả năng viết báo cáo thành tích, do đó NLĐ viết báo cáo còn khó hơn cả nghĩ ra sáng kiến; có trường hợp NLĐ viết báo cáo ra thì chủ DN lại không đồng tình vì e ngại bị lộ bí quyết kinh doanh.

Thực tế hiện nay, tại không ít nơi, việc bình xét, đánh giá thi đua chưa thực chất, vẫn còn tình trạng khen tập trung cho lãnh đạo, khen NLĐ trực tiếp còn rất hạn chế.

Ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ TP.Hà Nội cho rằng, cần quan tâm chú trọng đến khen thưởng, động viên những CNLĐ trực tiếp phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tiến thiết bị máy móc, nơi làm việc, góp phần giảm nhẹ sức lao động cho NLĐ; hướng các phong trào thi đua về cơ sở với phương châm thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

Còn ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch CĐ Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đề nghị, cần tăng cường khen thưởng theo chuyên đề để cán bộ CĐ, CNLĐ có cơ hội được khen thưởng. Bên cạnh đó, hồ sơ khen thưởng nên thống nhất một mẫu; ưu tiên thật ngắn gọn cho CNLĐ trực tiếp để tạo điều kiện cho họ…

Phong trào thi đua phải phù hợp cho từng khu vực

Phó Chủ tịch CĐCS một công ty tại Nam Định cho biết, tại công ty nơi chị làm việc, các phong trào thi đua tập trung chủ yếu vào “lao động giỏi, lao động sáng tạo”; an toàn lao động; bảo vệ môi trường; còn một số phong trào khác không phù hợp nên triển khai không hiệu quả. Vì vậy, đại diện CĐCS này đề nghị, cần có những phong trào cho từng khu vực; tại khu vực sản xuất, kinh doanh, nên triển khai những phong trào liên quan thiết thực đến NLĐ thì hiệu quả cao hơn.

PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn - nhấn mạnh, trong tổ chức thi đua phải thực sự quan tâm đến lợi ích của NLĐ, phải gắn thi đua nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả với NLĐ để tạo động lực lôi cuốn, khuyến khích tính tự giác, lòng nhiệt tình, tính năng động, sáng tạo của đông đảo NLĐ. “Đối với CNLĐ trực tiếp sản xuất, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước, ở đó NLĐ làm việc chủ yếu vì mục tiêu kinh tế, thu nhập của họ nhìn chung còn thấp, cường độ lao động tương đối cao, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc khuyến khích bằng lợi ích vật chất là rất cần thiết để tạo động lực mạnh mẽ cho họ tham gia thi đua” - PGS.TS Dương Văn Sao phân tích.

Đại diện Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) cũng cho rằng, cần căn cứ đặc điểm, vị trí, vai trò của từng đối tượng, từng lĩnh vực để phát động các phong trào thi đua phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Ngày 19.11, tại trụ sở CĐ Công Thương Việt Nam, Tổng LĐLĐVN phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng, giải pháp đổi mới tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong các cấp CĐ”, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó cho rằng cần quan tâm khen thưởng đến NLĐ trực tiếp; đồng thời các phong trào thi đua phải căn cứ đặc điểm, vị trí, vai trò của từng đối tượng, từng lĩnh vực để phát động phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn