MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng trao quà Tết đến 788 lao động bị mất việc làm năm 2023. Ảnh: Tường Minh

Cần thêm nhiều những “cái bắt tay” giữa Công đoàn và chính quyền

Tường Minh LDO | 21/11/2023 08:15

Một trong những thành công của hoạt động Công đoàn ở Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng trong nhiệm kỳ qua là những “cái bắt tay” phối hợp giữa Công đoàn và chính quyền địa phương. Từ những kết quả đạt được, những “cái bắt tay” cần được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp

Công đoàn Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp (Công đoàn Khu) Đà Nẵng hiện đang quản lý 150 Công đoàn cơ sở với 37.768 đoàn viên/38.953 lao động. Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu, với phương châm hướng về cơ sở, lấy công nhân lao động (CNLĐ) là đối tượng phục vụ, công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới và luôn đồng hành cùng với doanh nghiệp (DN), từ đầu nhiệm kỳ, Công đoàn Khu đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn và đời sống CNLĐ, đồng thời tập trung 3 nội dung trọng tâm để đồng hành, chia sẻ cùng DN.

Công đoàn Khu xác định mục tiêu chăm lo tốt cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) chính là đồng hành, chia sẻ với DN vượt qua khó khăn nên tập trung phần lớn nguồn lực để chăm lo cho 39.256 lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 23 tỉ đồng, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với DN.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ, Công đoàn luôn nắm bắt tâm tư của NLĐ và DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong bối cảnh cả thành phố phải “đứng yên” vì dịch COVID-19, Công đoàn Khu đã hỗ trợ cho 64 DN sản xuất “3 tại chỗ” với tổng số tiền 6,418 tỉ đồng để chăm lo bữa ăn ca cho 6.418 NLĐ. Đồng thời vận động DN hỗ trợ bằng tiền mặt, bằng sản phẩm... hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, ủng hộ Quỹ vaccine, phối hợp phát hàng chục tấn rau, củ quả... để chia sẻ khó khăn với DN.

“Các hoạt động chăm lo trong giai đoạn dịch bệnh đã góp phần nâng tầm ảnh hưởng, uy tín của tổ chức Công đoàn đối với NLĐ, tạo sự tin tưởng và làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của nhiều người sử dụng lao động theo hướng tích cực, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa và phát triển DN” - bà Oanh nói.

Chú trọng phần gốc của tranh chấp

Cũng theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở là cái gốc để giải quyết các tranh chấp lao động một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Cụ thể, trong hơn hai năm dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất tại DN khó khăn nhưng quan hệ lao động, an ninh trật tự trên địa bàn các khu công nghiệp được kiểm soát và giải quyết kịp thời. Có hơn 600 cuộc đối thoại, thương lượng tập thể giữa DN với công đoàn về tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các chính sách đối với NLĐ...

Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua, Công đoàn Khu đã phối hợp giải quyết 3 vụ ngừng việc tập thể; nhận ủy quyền để khởi kiện 196 vụ án lao động yêu cầu trả tiền lương và BHXH cho 196 NLĐ bị chủ doanh nghiệp bỏ về nước; hướng dẫn 14 hồ sơ khởi kiện... để giải quyết dứt điểm các tranh chấp lao động cá nhân, phục hồi quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.

Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh, đồng hành không có nghĩa là đứng về phía người sử dụng lao động mà là cùng nhau để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và DN, trọng tâm là nhiệm vụ đại diện, bảo vệ khi quyền và lợi ích của đoàn viên, NLĐ bị xâm phạm, từ đó làm điểm tựa, tạo niềm tin cho họ tham gia vào tổ chức Công đoàn.

Để làm tốt được điều này, cần phải có nhiều hơn những “cái bắt tay” hiệu quả của Công đoàn và chính quyền thông qua các hoạt động phối hợp, đối thoại, thương lượng, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ… từ đó làm tốt vai trò“cầu nối” giữa DN và NLĐ. Phải xác định được nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài để tập trung nguồn lực, có giải pháp thực hiện hiệu quả để Công đoàn “là người bạn tin cậy” của NLĐ và là “người đồng hành uy tín” của người sử dụng lao động. Và cuối cùng là phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, hiệu quả, thiết thực với phương châm­: “Làm mới mình để đồng hành tốt hơn với NLĐ và người sử dụng lao động”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn