MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cần tinh giản thủ tục đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động

PHƯƠNG NGÂN LDO | 26/04/2022 08:21

TPHCM - Thủ tục pháp lý, chính sách hỗ trợ vốn vay phức tạp và kéo dài là những lý do khiến các dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động khó thu hút nhà đầu tư.

TPHCM có 1 khu công nghệ cao, 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động và có trên 300.000 lao động (trong đó 70% là lao động ngoài tỉnh).

Ngoài ra, có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động.

Nhằm nắm bắt nguyện vọng của người lao động, từ ngày 12.4.2022 đến 17.4.2022, Ban Đô thị HĐND TPHCM phối hợp với Liên đoàn Lao động TP, Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động. Kết quả thu được từ 40.950 mẫu khảo sát, có 64% công nhân, lao động có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 - 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50 m2 - 70m2 .

Thời gian thực hiện thủ tục pháp lý dự án nhà ở xã hội kéo dài khó thu hút nhà đầu tư. - Ảnh: Gia Miêu. 

Thực tế cho thấy nhu cầu về nhà ở của công nhân, lao động nhiều nhưng số lượng nhà ở còn rất thấp. Tại 17 KCN – KCX trên địa bàn TP với 280.000 lao động, chỉ có 16 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng quy mô khoảng 21.000 chỗ, chiếm chưa tới 10%. 

Một trong những lý do khiến nhà lưu trú cho công nhân, lao động hạn chế là do các chủ đầu tư không mặn mà với dự án nhà lưu trú cho công nhân, bởi dự án này phục vụ cho xã hội vừa không sinh lời, thời gian thu hồi vốn lâu nhưng thủ tục pháp lý lại nhiêu khê, mất nhiều thời gian hơn nhà ở thương mại.

“Có một bất cập, chúng ta đang xem nhà lưu trú cho công nhân là một trong những cấu phần của nhà ở xã hội, như vậy, thủ tục đầu tư của nhà ở công nhân không khác gì một dự án nhà ở xã hội, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài hơn 300 ngày. Cần phải nói rõ đất trong KCN không phải đất ở cho nên cần phải xem nhà lưu trú công nhân là một dự án dịch vụ thương mại hạ tầng phục vụ cho sản xuất, khác với nhà ở thương mại và nhà ở xã hội”- đại diện Ban quản lý các KCX & CN TPHCM cho biết trong hội nghị tiếp xúc cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động mới đây.

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cũng thừa nhận các chính sách liên quan nhà ở xã hội như chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay thực hiện dự án và thủ tục pháp lý phức tạp... khiến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia còn hạn chế. “Về mặt pháp lý, đang có một nghịch lý, nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách về pháp lý tương tự như dự án nhà ở thương mại và phức tạp hơn là phải thêm bước miễn tiền sử dụng đất. Cộng với việc xét duyệt rồi thu các kinh phí dẫn đến việc không thu hút được các nhà đầu tư. Và đặc biệt là nguồn vốn vay để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, hiện nay, chưa triển khai được. Trước đây có chính sách bù lãi suất cho các nhà đầu tư nhưng hiện nay thì chính sách này đang ngưng”.

Theo ông Khiết, giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM đặt chỉ tiêu 47 dự án nhà ở, tập trung chủ yếu ở quận 7, Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức, còn các quận nội thành chỉ có 2 dự án. Ngoài ra, TPHCM cũng khuyến khích các địa phương ngoại thành đẩy mạnh dự án nhà ở xã hội, đáp ứng trên 35.000 căn hộ cho công nhân, lao động.

Sáng 25.4, một khu nhà lưu trú công nhân tại Khu Chế xuất Linh Trung 2 (phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, TPHCM) đã được khởi công xây dựng.

Đây là dự án thứ hai xây dựng tại khu chế xuất này với tổng số 360 căn hộ, đáp ứng 1.000 chỗ ở cho người lao động. Giai đoạn 1 đã được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm và đã đưa vào sử dụng hơn 350 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 1.000 công nhân. 

Theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 được thành phố phê duyệt, dự kiến phát triển 483.947 căn nhà, tương ứng với 50,6 triệu m2 sàn. Trong đó, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê là 2,5 triệu m2, tương ứng 35.714 căn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn