MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đeo khẩu trang khi đến làm việc. Ảnh: Bảo Hân

Cẩn trọng để tránh trở thành F0

Bảo Hân LDO | 14/03/2022 12:00
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số F0 trong công nhân lao động tăng, nhiều người lao động cẩn trọng hơn để “trụ được ngày nào hay ngày đấy”, tránh bị mắc COVID-19.

“Nhỡ bị COVID-19 thì khổ các con” 

“Công ty nơi tôi làm việc có rất nhiều người là F0. Riêng chuyền sản xuất mà tôi đang làm, có 40 người thì đã có hơn chục người bị COVID-19 rồi” - chị Trần Thị Hải Yến (công nhân một công ty may tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho hay vào sáng 13.3 khi trao đổi với phóng viên.  

Dù các đồng nghiệp nhiều người trở thành F0, nhưng chị Yến vẫn âm tính với COVID-19. Chị bảo, công ty nơi chị làm việc mỗi người ngồi làm việc một góc; hơn nữa, do dịch COVID-19, mọi người hạn chế tiếp xúc nhau, nên chị bớt đi phần nào lo lắng về nguy cơ bị “dính” dịch tại nơi làm việc. Đã được tiêm 3 mũi vaccine nên chị Yến cảm thấy yên tâm hơn.  

Để có thể hạn chế đến mức tối thiểu khả năng bị lây nhiễm dịch bệnh tại nơi làm việc, chị Yến tuân thủ nghiêm chỉnh việc đeo khẩu trang; thường xuyên sát khuẩn tay. Rất may thời điểm này, chị cũng như những người trong gia đình (mẹ chồng, vợ chồng và 2 con) vẫn đang an toàn trước dịch bệnh.  

Chị Yến cho hay, có người nảy sinh tâm lý “đằng nào rồi mình cũng bị COVID-19” nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch, nhưng chị luôn chú trọng để có thể an toàn.

“Tôi càng phải cẩn trọng hơn, vì nếu tôi bị mắc COVID-19, sẽ khổ cho các con. Con gái lớn của tôi mắc bệnh hiểm nghèo về da, sức đề kháng yếu, nên tôi rất lo nếu chẳng may mình mắc bệnh rồi lây cho cháu” - chị Yến chia sẻ.  

Ngoài ra, một lý do nữa mà chị Yến càng phải cẩn thận, đó là, nếu mắc COVID-19, chị phải nghỉ làm, sẽ không được hưởng lương trong những ngày nghỉ.

“Tôi sẽ chỉ được nhận chế độ ốm đau do bảo hiểm xã hội trả trong những ngày nghỉ. Nhưng số tiền đó, tôi hỏi các đồng nghiệp, họ cho biết, thường thì phải một tháng sau mới được lấy. Nếu như vậy thì cuộc sống của gia đình tôi sẽ rất khó khăn” - chị Yến tâm sự.  

Bình thường, cuộc sống của gia đình nhỏ này đã khá chật vật. Thu nhập của chị, nếu có tăng ca được hơn 6 triệu đồng/tháng; nếu không chỉ được dưới 5 triệu đồng/tháng. Nếu nghỉ ốm, dù là trong một thời gian ngắn, cuộc sống của gia đình chị sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Vì vậy, chị Yến bảo “trụ được bao lâu thì tốt bấy nhiêu”. 

Lo “hậu COVID-19” 

Anh Nguyễn Văn Thăng (thuê trọ tại chung cư CT1A, khu nhà ở công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng có suy nghĩ “trụ được bao lâu thì tốt bấy nhiêu” trước dịch COVID-19 giống với chị Yến. 

Thời gian vừa rồi, khu nhà nơi gia đình anh sống có rất nhiều người bị COVID-19. Trong gia đình anh Thăng, vợ và 2 con đều dương tính với COVID-19. Anh phải ở nhà, làm online từ ngày 24.2 đến ngày 9.3, kết hợp với chăm sóc các bệnh nhân COVID-19 trong nhà.

“Tôi nghĩ chắc mình không thoát khỏi, nhưng sau đó, may mắn không bị sao” - anh Thăng cho hay. Theo anh Thăng, với tình hình dịch như hiện nay, có thể lúc nào đó anh sẽ bị nhiễm.

“Tôi luôn sẵn sàng tâm thế mình bị COVID-19, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “buông xuôi” với tâm lý “đằng nào rồi mình cũng bị nhiễm”, rồi chủ quan. Tôi luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Phòng được đến đâu hay đến đó” - anh Thăng cho hay. Anh Thăng cho rằng, điều anh lo ngại nhất nếu bị dương tính là nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thời “hậu COVID-19”.

“Thấy nhiều người nói là “hậu COVID-19” rất mệt mỏi nên tôi càng phải chú trọng hơn đến công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn cho mình, cũng như gia đình” - theo anh Thăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn