MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thày trò Trường mầm non Ngôi Sao Nhỏ (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Long

Cần ưu tiên hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập

Nam Dương LDO | 21/06/2021 08:44
Sóng dịch COVID-19 lần 4 khiến công việc, thu nhập, đời sống của rất nhiều người lao đao. Trong số lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất có nhóm giáo viên mầm non ngoài công lập, họ phải tạm nghỉ việc và không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào...

Sống nhờ chồng và gia đình

Từ đầu tháng 5 đến nay, chị Kim Thị Ngọc Bé, giáo viên nhóm lớp mầm non Bút Chì Mầu (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) đã tạm ngừng việc ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19. Thời gian ngừng việc này, chị và 4 giáo viên của lớp mẫu giáo đều không được hưởng lương, cũng không có hỗ trợ gì. May mắn là chị Bé có chồng đang làm tại một doanh nghiệp chuyên về cơ khí và vẫn đang có việc làm nên chị ở lại phòng trọ (cũng ở phường An Lạc) cùng chồng, chứ không phải về quê như các đồng nghiệp khác. “Trước đây đi làm, tôi có thu nhập gần 7 triệu đồng/tháng, giờ vợ chồng tôi chỉ sống bằng tiền lương khoảng 10 triệu đồng/tháng của chồng” - chị Bé chia sẻ và mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những người lao động như chị.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Mến - giáo viên lớp mẫu giáo tư thục Hoa Huệ, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn Giáo viên Mầm non ngoài công lập phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM - cũng phải ngừng việc từ đầu tháng 5 để phòng, chống dịch và đến nay không được nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào, nên tự xoay xở lo cho cuộc sống của mình. Do có học thêm Trung cấp dược, nên chị Mến đi phụ bán thuốc cho người quen, thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng.

Chị Mến tâm sự: “Năm ngoái, do có tham gia BHXH nên tôi được hỗ trợ của Nhà nước 2 lần và tiền, quà chăm lo của công đoàn 1,2 triệu đồng, năm nay chưa thấy có hỗ trợ gì. Chúng tôi còn ít tuổi, nên vẫn được trợ cấp từ gia đình, cộng với khoản tiền phụ bán thuốc cũng đủ trang trải cuộc sống, nhưng cũng rất khó khăn. Rất mong chính quyền có hỗ trợ cho những giáo viên như chúng tôi”.

chịu ảnh hưởng việc làm, thu nhập

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân - chủ nhóm lớp mầm non Bút Chì Mầu - cho biết nhóm lớp của bà có 5 cô giáo, 4 cô phải về quê sinh sống, chỉ có cô Kim Thị Ngọc Bé là ở lại TPHCM với chồng. Do không có thu nhập nên dù rất thương các giáo viên của mình, nhưng bà cũng không có gì để hỗ trợ các cô, chỉ cố gắng duy trì việc đóng BHXH, BHYT để chẳng may có ai bệnh tật thì bớt khó khăn.

Bà Xuân cũng cho biết, năm 2020, các giáo viên mầm non có tham gia BHXH thì được hỗ trợ từ chính quyền trong 2 tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng. Còn các giáo viên chưa tham gia BHXH thì không được nhận hỗ trợ gì, hoàn toàn phải tự xoay xở.

Tương tự, bà Trần Thị Trang - quản lý một nhóm mẫu giáo của phường Phú Trung, quận Tân Phú - cho biết, trong đợt dịch năm 2020, các giáo viên có tham gia BHXH được hỗ trợ mỗi người 2 tháng, mỗi tháng 1 triệu đồng, còn các giáo viên không tham gia BHXH thì không được hỗ trợ gì. Theo bà Trang, với tình hình dịch bệnh như năm nay, giáo viên rất khó khăn và cần sớm được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo bà Phạm Ngọc Lan - Chủ tịch LĐLĐ Quận Tân Phú, TPHCM - đối tượng bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập nhiều nhất trong bối cảnh dịch COVID-19 là giáo viên ngoài công lập và NLĐ ở các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ. Còn các doanh nghiệp quy mô lớn cơ bản vẫn duy trì làm việc, nếu có tạm dừng việc thì cũng chỉ 14 ngày hoặc vài ngày, khi các biện pháp y tế được áp dụng đầy đủ thì đều làm lại. Do đó, cần có ưu tiên hỗ trợ cho các giáo viên mầm non để hỗ trợ phần nào đời sống cho họ.

Bình Dương: đời sống giáo viên mầm non gặp nhiều khó khăn

Tại Bình Dương, hơn 1 năm qua xảy ra dịch bệnh COVID-19, giáo viên mầm non (nhất là giáo viên trường tư) chịu nhiều tác động, đời sống giáo viên mầm non vốn đã eo hẹp nay lại khó khăn hơn.

Cô Nguyễn Thị Nhàn (38 tuổi) giáo viên một trường mầm non tư thục tại phường An Phú, TP.Thuận An (Bình Dương) cho biết, thu nhập chỉ được 5,3-5,6 triệu đồng/tháng, trong khi đó chi tiêu cuộc sống vẫn tăng. “Thu nhập của 2 vợ chồng đều thấp. Để có thể vượt qua giai đoạn này, chỉ còn cách cắt giảm chi tiêu, chỉ duy trì những sinh hoạt tối thiểu trong gia đình.

Trong khi đó, tại thị xã Bến Cát, Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (trường tự chủ thu chi) nằm trong khu quy hoạch công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Học sinh của trường 100% là con em công nhân. Ông Đỗ Văn Phùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết đến nay chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào cho giáo viên hay học sinh. Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn