MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để quyền lợi của đoàn viên và công nhân lao động được đảm bảo, các cán bộ Công đoàn cũng cần có bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Cần xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ

Hà Anh thực hiện LDO | 22/09/2018 06:54
Báo cáo của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII CĐ Việt Nam xác định “Xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ” là một trong ba khâu đột phá nằm trong mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của tổ chức CĐ Việt Nam nhiệm kỳ 2018 - 2023.

PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ (CBCĐ) trong tình hình mới. 

Thưa ông, thế nào là người CBCĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ?

- Người CBCĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ là người có kiến thức về chuyên môn, nắm vững lý luận và nghiệp vụ CĐ; nhiệt tình tâm huyết với phong trào; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao; luôn kiên định với mục tiêu của tổ chức CĐ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đấu tranh vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ).

Ở từng vị trí khác nhau, tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ của CBCĐ có những yêu cầu khác nhau. Đối với CBCĐ cơ sở chủ yếu là năng lực tập hợp quần chúng và tổ chức các hoạt động thực tiễn; CBCĐ cơ sở phải có tác phong gần gũi, liên hệ mật thiết với đoàn viên, NLĐ; có khả năng vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề thực tiễn của cơ sở; có kỹ năng tổ chức đối thoại, thương lượng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; dám đấu tranh, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để bảo vệ lợi ích của tập thể lao động.

CBCĐ cấp trên cần có khả năng cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các nhiệm vụ cụ thể của CBCĐ cấp mình; có kỹ năng, phương pháp hướng dẫn chỉ đạo hoạt động CĐ cơ sở; mạnh dạn trong tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến NLĐ.

CBCĐ ở cấp Trung ương, tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ phải kết hợp với nhãn quan chính trị, cần phải có năng lực tổng hợp, nghiên cứu đề xuất những vấn đề mang tính chiến lược, ở tầm vĩ mô; có khả năng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ hoạt động các cấp CĐ. 

Ông Vũ Anh Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN.

Theo ông, để xây dựng đội ngũ CBCĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ trong tình hình mới, tổ chức CĐ cần tập trung vào một số giải pháp nào?

- Theo tôi, thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của CBCĐ trong tình hình mới. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu tại Đại hội VI CĐ Việt Nam năm 1988 đã nhấn mạnh: “Ngày nay, người CBCĐ không thể dùng nhiệt tình để kêu gọi và động viên chung chung được nữa. Họ phải được trang bị những kiến thức nhất định về chuyên môn, về quản lý kinh tế. Những hiểu biết về tâm lý học, xã hội học, luật pháp cũng rất cần…”.

Sau 30 năm đổi mới, tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, mỗi CBCĐ cần nâng cao nhận thức về vai trò của CĐ trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời luôn luôn trau dồi, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới đất nước; nêu cao cảnh giác, có thái độ đúng đắn trước những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ CBCĐ chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, vừa phải đặt trong yêu cầu chung của Đảng, vừa phải đảm bảo những yêu cầu cốt lõi của tổ chức CĐ. Do đó, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của tổ chức CĐ, nhất là trong việc lựa chọn Chủ tịch CĐ cơ sở phải thực sự là thủ lĩnh của tập thể lao động. Các CĐ cấp trên cơ sở phải thường xuyên theo dõi nắm chắc về CĐ cơ sở; mỗi kỳ đại hội hoặc khi có thay đổi về nhân sự của CĐ cơ sở cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự; việc bầu cử ở cấp cơ sở cần được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, đặc biệt cần đổi mới, nhân rộng hình thức bầu cử trực tiếp đối với chủ tịch CĐ cơ sở, tạo điều kiện để đoàn viên, NLĐ thực sự có cơ hội lựa chọn ra người thủ lĩnh của mình.

Thứ ba, công tác đào tạo bồi dưỡng CBCĐ cũng phải được đổi mới theo hướng chính quy, chuyên nghiệp; nội dung đào tạo, bồi dưỡng CBCĐ phải theo vị trí việc làm, theo chức danh công việc, chú trọng bổ sung các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tiễn; phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với từng đối tượng, gắn lý thuyết với thực hành; cần nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đặc biệt là hình thức tự đào tạo và đào tạo trực tuyến để tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên CĐ có thể tiếp cận các chương trình đào tạo một cách thuận lợi, dễ dàng.

Các cấp CĐ đặc biệt là Tổng LĐLĐVN và các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TƯ và tương đương cần tiếp tục củng cố, phát triển đội ngũ chuyên gia, giảng viên kiêm chức, đặc biệt là chuyên gia, giảng viên trong các lĩnh vực về phát triển xây dựng tổ chức; đối thoại, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, an toàn vệ sinh lao động đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho CBCĐ, đào tạo CBCĐ cơ sở.

Thứ tư, tổ chức CĐ cần tăng cường các biện pháp bảo vệ và quan tâm chăm lo thực hiện chính sách đối với CBCĐ. Hiện nay pháp luật đã quy định các biện pháp bảo vệ CBCĐ. Tuy nhiên các hành vi phân biệt đối xử chống CBCĐ thường vô cùng tinh vi. Vì vậy, CĐ cần nghiên cứu tham gia với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật về bảo vệ CBCĐ, đảm bảo rõ ràng, đầy đủ khả thi; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động và CĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi phân biệt chống CBCĐ.

Bên cạnh đó tổ chức CĐ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCĐ nhất là CBCĐ ở cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện có hệ thống chính sách đối với CBCĐ, nhất là cần có các hình thức ghi nhận cống hiến; các chính sách ưu đãi trong đào tạo bồi dưỡng; các hình động viên khen thưởng kịp thời.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn