MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Hải Nguyễn.

Càng khó khăn, người lao động càng mong ngóng thưởng Tết

LƯƠNG HẠNH - HÀ ANH LDO | 22/11/2023 16:57

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.

Thưởng Tết - một lý do để gắn bó với công ty

Anh Phùng Chí Minh (sinh năm 2002, quê ở Thanh Hoá) xin làm công nhân tại một công ty trong khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) do được một người họ hàng giới thiệu. Mới ngày nào còn bỡ ngỡ, đến nay, anh Minh đã làm công nhân được 8 tháng.

Nếu không tăng ca, anh chỉ nhận mức lương vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng/tháng. Để có thể trang trải cuộc sống, anh Minh nhận thêm công việc giao hàng ở ngoài. Những ngày gần đây, đồng nghiệp trong công ty anh Minh kháo nhau về việc thưởng Tết.

“Đồng nghiệp tôi chia sẻ những năm trước, Tết Nguyên đán sẽ được nhận một tháng lương thứ 13. Mới đi làm công nhân, tôi mong muốn nhận được một khoản tiền để gửi về cho bố, mẹ, giúp gia đình có cái Tết đủ đầy hơn” – anh Minh tâm sự.

Công ty bị giảm đơn hàng, thời gian này, anh Nguyễn Văn Du (SN 1993, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) gần như bị cắt giảm giờ làm thêm. Theo anh Du, khoảng 2 năm trở lại đây, anh liên tục rơi vào cảnh ít việc, không được tăng ca, làm thêm.

Với tay nghề và thâm niên làm việc, mức lương mỗi tháng anh Du nhận được từ 8-10 triệu đồng/tháng. Song khoản thu nhập này không đáng là bao so với những khoản phải chi cho cuộc sống của gia đình.

Sau một năm làm việc hết công suất, thưởng Tết luôn là khoản mọi công nhân đều quan tâm, mong chờ. Theo anh Du, những năm trước ngoài thưởng Tết bằng tiền mặt, công ty phối hợp với tổ chức công đoàn tặng các phần quà Tết, 1 chuyến xe về quê cho công nhân. Đó cũng chính là lí do khiến anh Du đã gắn bó với công ty này lâu dài.

Giữ chân người lao động

Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng LĐLĐVN giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động. Theo kiến nghị của Tổng LĐLĐVN, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19.1.2024.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN chia sẻ: "Thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất, còn động viên tinh thần lớn của người lao động".

Ông Hiểu cho rằng, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết là cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc.

Dự báo từ nay đến đầu năm 2024, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động. Vì vậy, nếu thưởng Tết không đạt được như kỳ vọng, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi mục tiêu của quan hệ lao động là hài hòa, tiến bộ.

Tổng LĐLĐVN cũng giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho lao động.

Với lao động khó khăn, công đoàn trích kinh phí hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người, số lượng không quá 10% đoàn viên đơn vị quản lý. Những nơi huy động được nguồn xã hội hóa, mức tiền và số lượng hỗ trợ có thể cao hơn quy định. Lao động xa quê, diện khó khăn được hỗ trợ vé máy bay, tàu xe miễn phí để về ăn Tết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn