MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động ở Đắk Lắk dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm việc, cống hiến cho doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Trung

Càng khó khăn, người lao động lại quyết tâm bám trụ với công việc

BẢO TRUNG LDO | 19/07/2023 16:53

Đắk Lắk - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dù doanh nghiệp đối mặt với không ít thử thách, song nhiều người lao động bày tỏ quyết cùng chia sẻ khó khăn với đơn vị chủ quản, không bỏ việc giữa chừng.

Anh Đinh Văn Hà, công nhân lao động trong một nhà máy sản xuất thép (thuộc Khu công nghiệp Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - cho biết: "Cách đây hơn 10 năm, mẹ tôi trong quá trình lao động gặp tai nạn, bị cụt tay, buộc phải ở nhà. Tôi hiện đang là lao động chính trong gia đình và đã có 1 vợ, hai con. Với thu nhập không ổn định của vợ, tôi phải gồng sức gánh vác cả gia đình với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thực tế, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm, doanh thu không như cách đây 2 năm.

Tuy nhiên, chấp nhận cùng nhau chia sẻ khó khăn, tôi quyết tâm ở lại nhà máy làm việc mong tình hình sẽ sáng sủa hơn. Bởi, nếu đi chỗ khác xin việc, dù mức lương được cải thiện nhưng chưa chắc đã ổn định lâu dài, cứ tận tụy làm việc hết mình biết đâu sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này".

Tâm tư của anh Hà cũng giống như nhiều công nhân lao động khác tại Khu công nghiệp Hòa Phú. Trong bối cảnh doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, giảm doanh thu, lương thưởng bị ảnh hưởng nhưng họ đều không dám bỏ ngang lúc này.

Tại Cụm công nghiệp Tân An, TP.Buôn Ma Thuột - nơi đang có gần 6.000 công nhân lao động đang làm việc. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp trên về cơ bản vẫn đang trụ vững, việc sa thải người lao động rất ít khi xảy ra.

Đầu tháng 6.2023, khi được phóng viên hỏi về việc làm sao nuôi nổi khoảng 100 người lao động trong bối cảnh đơn hàng giảm liên tục nhưng quỹ lương hàng tháng quá cao, một chủ doanh nghiệp cơ khí  tại Cụm công nghiệp Tân An trả lời dứt khoát: "Nếu không có tiền thì buộc phải vay ngân hàng, thế chấp tài sản để trả lương cho anh em công nhân. Nếu sa thải họ lúc này thì khi công ty có đơn hàng lấy ai làm việc, đến lúc đó còn mệt mỏi hơn. Lo cho anh em thì họ sẽ tận tụy, dốc sức vì doanh nghiệp sau này".

Nhiều người lao động dù thu nhập khá thấp nhưng không bỏ việc. Ảnh: Bảo Trung

Theo anh Lâm Thành Nam (công nhân lao động ở Cụm công nghiệp Tân An): Thời buổi khó khăn chung, lòng trung thành, tận tụy là rất đáng quý. Doanh nghiệp tôi đang làm đôi khi chậm trả lương hàng tháng nhưng không đến nỗi sa thải người lao động để giảm gánh nặng tài chính. Chủ doanh nghiệp mỗi tháng đóng lãi hơn 100 triệu đồng nhưng chưa bao giờ trả thiếu chúng tôi một đồng nào. Anh em công nhân rất vui và hứa sẽ làm việc hết sức mình.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Trong giai đoạn khó khăn bởi suy thoái kinh tế, tổ chức Công đoàn luôn nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc cho các anh chị em. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, số đoàn viên, người lao động trong ngành Công thương bị mất việc, sa thải khá ít, đời sống được đảm bảo, ít xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.

Thời gian tới Công đoàn ngành sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, đối với các Công đoàn Cơ sở theo hướng chuyển đổi cách thức chỉ đạo một chiều sang trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, tổ chức cho các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ. Công đoàn ngành sẽ cùng với Công đoàn cơ sở giải quyết vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đồng hành cùng doanh nghiệp".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn