MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ chuyên viên bị đối tượng Tr hôn bầm môi tại Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Cấp thiết hoàn thiện khung pháp luật

LÂM ANH LDO | 18/10/2018 07:25
Làm thế nào để bảo vệ lao động nữ khỏi nguy cơ bị quấy rối tình dục (QRTD) khi mà cơ chế pháp lý còn có bất cập là một trong những câu hỏi được tổ chức UN Women đặt ra. Nội dung này được đề cập rõ trong Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới của NLĐ để tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong Sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) của Việt Nam thông qua Dự án Investing in Women.

Khi khái niệm quấy rối tình dục còn mơ hồ

Theo các chuyên gia của Dự án Investing in Women, BLLĐ được ban hành từ năm 1994 và đã qua 4 lần sửa đổi bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012 nhưng khuôn khổ pháp lý hiệu quả phòng chống QRTD tại nơi làm việc còn nhiều bất cập, khả năng áp dụng không cao và còn thiếu nhiều quy định cụ thể nên vấn nạn QRTD tại nơi làm việc vẫn xảy ra thường xuyên, liên tục mà chưa bị xử lý nghiêm minh. Các bất cập về pháp luật bao gồm thiếu định nghĩa, giải thích từ ngữ về QRTD tại nơi làm việc, thiếu quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong phòng chống QRTD, thiếu quy trình phòng chống QRTD tại nơi làm việc và các chế tài liên quan.

Các chuyên gia nhận định hầu hết nạn nhân của QRTD là phụ nữ, thường ở vị thế thấp, dưới quyền, trong tình trạng phụ thuộc người quấy rối và hình thức, hành vi QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam rất đa dạng. Về phía NLĐ, nạn nhân bị QRTD tại nơi làm việc có thể không nhận thức được nên không có phản ứng hoặc nhận thức được nhưng không lên tiếng mà âm thầm chịu đựng do lo sợ bị mất việc làm, bị chèn ép, cắt giảm lương, bị gây khó khăn trong công việc, do đó chỉ dám nói ra khi rơi vào tình trạng bị quấy rối nghiêm trọng, hoặc đã chuyển sang công việc khác.

Trong khi NLĐ im lặng, cam chịu thì NSDLĐ phần nhiều thường có thái độ bỏ qua hoặc nếu có xử lý thì chỉ ở mức cảnh cáo nhẹ để tránh gây thiệt hại về uy tín cho DN. Trừ một số ít tập đoàn, Cty lớn đã xây dựng nội quy về vấn đề QRTD tại nơi làm việc, còn đại đa số các DN vừa và nhỏ, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng lao động đều chưa đưa vấn đề QRTD vào trong nội quy lao động.

Cần sớm bịt lỗ hổng pháp lý

Năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổng LĐLĐVN và VCCI xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc”. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ, rõ ràng, hướng dẫn cho NSDLĐ cùng với NLĐ xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, DN làm cơ sở cho việc phòng, chống hành vi QRTD tại nơi làm việc. Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không mang tính bắt buộc nên mức độ ảnh hưởng và tác động còn hạn chế.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện khung pháp luật về phòng chống QRTD tại nơi làm việc trong BLLĐ sửa đổi là cấp thiết, trong đó cần quy định rõ về nghĩa vụ của NSDLĐ trong việc xây dựng và thực thi chính sách chống QRTD tại nơi làm việc. Các biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục hậu quả cũng cần được quy định rõ ràng như một số nước đã làm.

Việc hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này giúp DN đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực lao động của khách hàng, tạo được một môi trường làm việc an toàn hơn đồng thời cho phép phòng ngừa và bảo vệ NLĐ khỏi QRTD tại nơi làm việc; giúp NLĐ nhận biết rõ, sớm hành vi QRTD và các công cụ pháp lý để bảo vệ mình, không còn phải âm thầm chịu đựng hoặc bỏ việc; đề cập đến quy định về quy trình, thủ tục tiếp nhận thông tin, xử lý hành vi QRTD, bảo vệ nạn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn