MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Phạm Thị Huyền - công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi - đang thực hiện công đoạn may. Ảnh: Công ty TNHH May Tinh Lợi

Cất bằng đại học, chọn làm công nhân để có việc làm ngay

Lương Hà LDO | 21/06/2023 10:34

Sau khi tốt nghiệp đại học, để có việc làm ngay với thu nhập hàng tháng và không phụ thuộc vào bố mẹ, nhiều người trẻ lựa chọn cất bằng, xin làm công nhân tại các khu công nghiệp ở Hải Dương.

Chị Nguyễn Thu Thủy (24 tuổi, quê Thái Bình) tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hưng Yên nhưng đã chọn đến Hải Dương làm công nhân may thay vì làm đúng chuyên ngành.

"Từ khi gần ra trường, tôi luôn mong muốn tìm được công việc đúng ngành nghề mình đã học nhưng do chưa tìm được việc phù hợp nên quyết định đi làm công nhân may. Tôi chọn làm công nhân may cũng vì mong muốn được trau dồi thêm kinh nghiệm và đảm bảo có công việc với mức lương ổn định sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, mức lương hiện tại của tôi cũng khá ổn định. Hàng tháng, nếu tăng ca đầy đủ, cộng thêm các khoản phụ cấp mỗi tháng, tôi cũng nhận được khoảng 8 - 9 triệu đồng/tháng. Làm việc ở khu công nghiệp vùng quê nên mức thu nhập này đủ để tôi chủ động tài chính, không phải phụ thuộc vào bố mẹ và bỏ ra được một khoản tiết kiệm nhỏ" - chị Thủy nói.

Ngay khi làm công nhân may, chị Thủy không cần bất kỳ bằng cấp gì đã được nhận vào làm việc và đào tạo, hướng dẫn công việc tận tình. Bởi vậy, chị Thủy tạm cất tấm bằng đại học đi. Sau hơn 1 năm làm việc, chị đã học hỏi được nhiều điều hơn. Có thể sau này nếu nghỉ làm công nhân, chị sẽ tự tin khi đi xin việc với tấm bằng đại học và có khả năng tìm được việc hơn.

Khuôn viên phòng trọ 25 m2 tại xóm trọ thôn Hợp Nhất (xã Lai Vu, huyện Kim Thành) - nơi nhiều công nhân khu công nghiệp Lai Vu sinh sống. Ảnh: Lương Hà

Cùng học đại học với chị Thuỷ, chị Phạm Thị Huyền (24 tuổi, quê huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cũng đang làm công nhân tại Công ty TNHH May Tinh Lợi (Khu công nghiệp Lai Vu, xã Lai Vu, huyện Kim Thành). Cả chị Thuỷ và Huyền đều khẳng định không thấy quá nuối tiếc khi lựa chọn làm công nhân.

"Tôi không muốn trong thời gian chờ đợi công việc đúng ngành nghề mà bố mẹ phải nuôi mình. Tôi chọn làm công nhân, cuộc sống sẽ vất vả nhưng giúp tôi sớm trưởng thành hơn" - chị Thủy chia sẻ.

Chị Lã Thu Hà (23 tuổi, quê Thanh Hóa) cất tấm bằng đại học chuyên ngành Kế toán để cùng bạn thân đến Khu công nghiệp Tân Trường (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) làm công nhân.

"Mặc dù sau khi ra trường, tôi đã xin vào làm kế toán ở một công ty trên Hà Nội. Nhưng do kinh nghiệm không nhiều, công ty lại yêu cầu thử việc 6 tháng, không chịu được áp lực công việc nên tôi xin nghỉ rồi trở về quê. Sau một thời gian ở nhà nghỉ ngơi, tôi cùng bạn thân đến Hải Dương xin vào làm công nhân, đến nay cũng đã gần 1 năm rồi" - chị Hà kể.

Tâm sự thêm, chị Hà cho hay, khi quyết định đi làm công nhân, ban đầu chị cảm thấy tiếc cho 4 năm học tập. Nhưng rồi, vì cuộc sống mưu sinh, chủ động kinh tế và phụ giúp cho gia đình nên chị đành gác lại. Hiện tại, chị Hà khá hài lòng mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng và công việc đang làm. Đồng thời, thời gian tới, chị Hà sẽ cố gắng thật nhiều trong công việc với mong muốn phát triển hơn thành chuyền trưởng.

Theo Kế hoạch Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 và đảm bảo việc làm bền vững của người lao động trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ năm đạt 33% (đến năm 2030 đạt 43%); duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Đến năm 2025, tỉ lệ thiếu việc làm còn 2%, đến năm 2030 tỉ lệ thiếu việc làm giảm còn dưới 2%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn