MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Duyên chọn làm công nhân để có thu nhập lo cho các con. Ảnh: Hạnh Hương.

Cất bằng đại học để làm công nhân

LƯƠNG HẠNH - MINH HƯƠNG LDO | 06/08/2023 06:00

4 năm làm công nhân cho chị Duyên mức thu nhập tạm ổn mỗi tháng để nuôi 2 con nhỏ. Bằng tốt nghiệp đại học chị đành cất gọn gàng vào một góc tủ, chưa biết đến khi nào mới sử dụng...

Dãy trọ công nhân tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) của chị Đào Thị Duyên gồm 6 phòng thì có đến 3 phòng đóng cửa im ỉm. Chị Duyên cho biết mọi người vừa đi làm ca đêm về nên ngủ để lấy lại sức. Đó là điều may mắn hiện tại của họ. Bởi, chí ít, công nhân trong xóm trọ này vẫn được đi làm.

Chị Duyên chỉ tay về phía dãy trọ công nhân bên cạnh, nói: "Xóm này công nhân về quê cả rồi, họ bị cho nghỉ việc hưởng 70% mức lương cơ bản".

Quê ở Phú Thọ, học xong đại học, chị Duyên lấy chồng rồi sinh con, khó xin việc theo đúng ngành học nên chị xin đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội).

Chị Duyên đã có 2 mặt con, đều đang gửi ở quê cho ông bà chăm sóc. Vốn không định làm ở công ty lâu năm, song công việc này mang lại cho chị thu nhập ổn định nên chị vẫn làm tới hiện tại. Thế nhưng, trong suy nghĩ của nữ công nhân, vẫn không muốn gắn bó với công việc này lâu dài.

"Sau này con lên lớp 1-2 , tôi phải kề cạnh để chỉ bảo con học hành. Lúc đó có thể bán hàng hoặc xin một công việc khác ở gần nhà" - chị Duyên nói.

4 năm trôi qua, mức lương cơ bản của chị Duyên hiện là 5,6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn được nhận thêm trợ cấp đi lại 15.000 đồng/ngày; 300.000 đồng/tháng tiền nhà ở; con nhỏ 50.000 đồng/cháu dưới 6 tuổi; chuyên cần 300.000 - 600.000 đồng phụ thuộc vào hiệu suất.

Tháng 7.2023, chị Duyên thường xuyên được tăng ca, làm cả thứ 7, chủ nhật nên thu nhập được 9-10 triệu đồng/tháng. Trước đó, vào tháng 6, đa phần nhóm công nhân như chị chỉ làm giờ hành chính nên tiền lương chỉ dựa theo lương cơ bản.

Xóm trọ công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đóng cửa im ỉm. Ảnh: Hạnh Hương.

Chị Duyên cho hay, đợt tăng lương tối thiểu vào tháng 7.2022, vùng I được tăng thêm 260.000 đồng, lên mức 4.680.000 đồng/tháng; mặc dù công ty trả lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu gần 1 triệu đồng/tháng nhưng chị vẫn được tăng tiền lương thêm 100.000 đồng mỗi tháng.

Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thuỷ (tên nhân vật đã thay đổi) cất bằng đại học xin đi làm công nhân may. Chị Thuỷ tiết lộ, do kinh nghiệm thực tiễn của chị còn yếu, chị muốn học thêm nhiều điều nên chọn đi làm công nhân đúng ngành này.

Bên cạnh đó, gia đình không mấy khá giả, đi làm công nhân sẽ giúp chị có mức lương ổn định, trang trải cuộc sống trong thời gian mới ra trường.

Theo chị Thuỷ, nếu tăng ca đầy đủ, cộng thêm các khoản phụ cấp mỗi tháng cũng được 9 đến 12 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá hấp dẫn mà không phải nhân viên văn phòng nào ở quê cũng đạt được.

"Chuyên ngành của tôi sau khi ra trường sẽ làm may mẫu, kỹ thuật may. Nhưng vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên không công ty nào muốn nhận. Vì thế, tôi đã quyết định giấu bằng xin vào làm công nhân trước" - chị Thuỷ nói.

Lựa chọn làm công nhân, chị Thuỷ nhận được sự chỉ dạy tận tình từ quản lý và các công nhân lâu năm khác mà không cần đến tấm bằng đại học.

Tâm sự thêm, chị Thuỷ cho biết ban đầu cũng rất tiếc cho 4 năm học tập. Nhưng rồi, vì cuộc sống mưu sinh nên đành gác lại, miễn sao có thu nhập tốt. Hiện tại, chị Thuỷ khá hài lòng với công việc đang làm và sẽ cố gắng thật nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn