MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lao động tìm kiếm việc làm đầu năm 2023. Ảnh: Lương Hạnh.

Cắt giảm nhân sự khiến người lao động chuyển hướng làm tự do

HẠNH DUY LDO | 16/02/2023 08:16

Làn sóng cắt giảm nhân sự khiến nhiều người lao động từ bỏ tiếp tục đi xin việc tại các công ty, doanh nghiệp. Thay vì làm công việc với mức lương cố định, họ chọn chuyển sang làm một lao động tự do - Freelance, người làm nghề tự do – Freelancer.

Cú tát tỉnh ngộ

Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề, lĩnh vực giai đoạn đầu năm 2023 tiếp tục chững lại do ảnh hưởng từ nền kinh tế chung.

Dự báo thực trạng này có thể sẽ kéo dài đến hết quý I.2023, gây ra những tác động tiêu cực đối với thị trường lao động Việt Nam.

Đầu tháng 1.2023, tình hình kinh doanh của công ty xấu đi, chị Nguyễn Thị Huyền (Hưng Yên) -  nhân viên quản lý dự án nhận thông báo công ty giải thể, nhân viên bị cho nghỉ việc.

Nghỉ việc cách Tết chưa đến 1 tuần, chị Huyền không nhận được thưởng Tết giống như mong đợi. Bên cạnh đó, khoản tiền thưởng từ các dự án chị cũng không được nhận vì chưa thể thu hồi công nợ.

“Ngay khi có thông báo công ty sẽ giải thể, tôi đã gửi hồ sơ xin việc đến vài công ty khác. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 ở quê, tôi quay trở lại Hà Nội vào mùng 6 Tết Âm lịch và tiếp tục tìm việc tại một số trang việc làm, tuyển dụng” - chị Huyền tâm sự.

Bất lực tìm kiếm việc làm, chị Huyền quyết định chuyển sang làm Freelancer. Ảnh: Lương Hạnh.

Trước đây, khi làm việc tại công ty cũ, chị Huyền vẫn nhận làm thêm các công việc khác. Do đó, công việc này đã “cứu đói” chị trong khoảng thời gian chị bị đột ngột cho nghỉ. Sau Tết Nguyên đán 2023, nữ nhân viên nộp hồ sơ xin việc tại một số công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, chị vẫn bất lực với việc tìm kiếm việc làm phù hợp.

Theo chị Huyền, việc công ty đột ngột giải thể và toàn bộ nhân viên của công ty phải nghỉ việc như một “cú tát” khiến chị tỉnh ngộ. Sau hơn 2 năm gắn bó, chị cho biết không nhận được quyền lợi xứng đáng với công sức, sự cống hiến đã bỏ ra.

“Tôi và nhiều nhân viên khác chưa từng nghĩ sẽ rời bỏ công ty. Ngay cả khi trong lúc làm việc tại công ty, tôi vẫn nhận được nhiều lời mời gọi từ các doanh nghiệp khác. Điều quan trọng là sau khi công ty giải thể, chúng tôi vẫn phải chờ đợi khoản tiền lương ít ỏi và càng không có đồng thưởng Tết nào” – chị Huyền nói.

Nghề "tay trái" thành nguồn sống

Lưu Hà Anh (ở Tuyên Quang) hiện đang là một Freelancer chuyên viết content SEO về mảng F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống). Hà Anh vốn là nhân viên chăm sóc khách hàng ở một công ty truyền thông.

Vào cuối năm 2022, công ty có quyết định cắt giảm một phần nhân sự với lý do thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Hà Anh cũng đột ngột rơi vào cảnh thất nghiệp. Từ thời điểm đó, nữ nhân viên đã quyết định chuyển hướng sang làm freelancer để chủ động hơn.

Là một freelancer, Hà Anh có thể đồng thời xử lý nhiều công việc cùng lúc. Ảnh: Hà Anh.

Hà Anh chia sẻ: “Khác biệt lớn nhất khiến tôi quyết định chọn làm freelancer thay vì đi làm tại công ty đó là tự do về không gian và thời gian. Điều này giúp tôi cảm thấy chủ động hơn và dễ dàng cân bằng giữa công việc và học tập. Đồng thời có thêm nhiều thời gian cho những dự định cá nhân khác”.

Nữ Freelancer cũng cho hay, chị chưa từng nghĩ một công việc “tay trái” lại trở thành công việc chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định của chị.

Nói thêm về bí quyết để làm freelancer một cách hiệu quả, nữ nhân viên cho rằng chủ yếu là cá nhân cần có tính kỷ luật cao. Mọi Freelancer luôn phải biết sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý để có thể hoàn thành tốt công việc. Quan trọng hơn hết đó là Freelancer phải học được cách làm việc một mình. 

“Làm Freelancer mức lương sẽ không cố định, phụ thuộc lớn vào khối lượng công việc mình nhận và làm được. Tuy nhiên so với công việc trước đây, mặc dù thời gian làm việc ít hơn nhưng freelance lại mang lại cho tôi thu nhập cao hơn đáng kể” - Hà Anh tâm sự.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn