MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thanh Dũng (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tặng qua Tết Trung thu cho con em công nhân, người lao động tại tổ dân phố số 37. Ảnh: Nguyễn Linh

Cầu nối của những công nhân xa nhà ở Đà Nẵng

Nguyễn Linh LDO | 12/07/2024 11:01

Phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hiện có hàng chục nghìn công nhân và sinh viên từ nơi khác đến, vì vậy đây là khu vực được các cấp chính quyền quan tâm đảm bảo an ninh trật tự. Trong đó, với vai trò là Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1 và Tổ dân phố số 37 (phường Hòa Khánh Bắc), ông Nguyễn Thanh Dũng chính là chiếc cầu nối của cộng đồng dân cư nơi đây.

Phát huy sức mạnh của tổ công nhân tự quản

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hòa Khánh Bắc cho biết, địa phương này hiện có khoảng 15.000 công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh và 10.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ nơi khác đến.

Vì thế, UBND phường Hòa Khánh Bắc đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, xây dựng mô hình dân vận. Trong đó UBND phường Hòa Khánh Bắc đã xây dựng mô hình Mặt trận chung công nhân, sinh viên tạm trú.

Đây là mô hình để xây dựng mối quan hệ giữa công dân tạm trú và công dân thường trú gần gũi nhau hơn. Thông qua đó, các tổ công nhân tự quản, tổ dân phố có thể hướng dẫn, truyền đạt các chính sách pháp luật, quy định của địa phương cho người lao động ngoại tỉnh.

“Trong 10 năm xây dựng mô hình, tình hình an ninh trật tự ở khu vực được đảm bảo. Đặc biệt nhờ có lực lượng công dân tạm trú mà công tác phòng chống lụt bão, chằng chống nhà cửa của địa phương cũng được đảm bảo tuyệt đối”, ông Trung nói.

Đối với địa phương có đến 50% là người dân ngoại tỉnh đến tạm trú học tập làm việc như phường Hòa Khánh Bắc thì các công dân tạm trú chính là những mắt xích quan trọng giúp lực lượng chức năng kiểm soát tình hình an ninh trật tự.

Trong đó ông Nguyễn Thanh Dũng là một tấm gương tiêu biểu, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản, Tổ dân phố gương mẫu và được coi như là chiếc cầu nối giữa người lao động tạm trú với chính quyền địa phương sở tại.

Ông Trung cũng nêu quan điểm của mình là học theo lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chỉ khi có sự đoàn kết gần gũi giữa các công dân thường trú và tạm trú thì mới tạo nên được sự lớn mạnh của một địa phương.

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong mô hình Mặt trận chung công nhân, sinh viên chính là sự tập hợp sức mạnh của cả người thường trú và người tạm trú. Cái thứ hai là phát huy được sức mạnh của họ trong từng khu dân cư như đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường”, ông Trung thông tin.

Trăn trở vì người lao động

Sắm 2 vai, vừa là Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản số 1, vừa là Tổ trưởng Tổ dân phố số 37, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nhiều năm qua, bất kể công nhân, người lao động tại địa phương này cần gì, thiếu gì, ông Nguyễn Thanh Dũng đều cố gắng hỗ trợ và sẵn sàng đồng hành cùng họ.

Sự đồng hành này cũng gắn liền với những trăn trở. Đó là những lúc ông Dũng lực bất tòng tâm bởi những lý do ngoài ý muốn. Như hồi sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, khi người lao động cùng con em quay trở lại Đà Nẵng để học tập làm việc. Lúc này, ông Dũng nhận được tin có Mạnh Thường Quân muốn tặng sữa cho khu nhà trọ.

“Tôi mừng lắm, lập tức lên danh sách các em nhỏ trong độ tuổi nhận sữa và chuẩn bị mọi thứ để chờ Mạnh Thường Quân đến. Thế nhưng đến phút cuối, đơn vị tài trợ lại không đến được khiến người lao động trong khu nhà trọ, đặc biệt là các em nhỏ hụt hẫng vô cùng. Bản thân tôi đến giờ vẫn còn thấy áy náy. Mình làm được 100 điều tốt cho mọi người nhưng chỉ 1 điều không làm được là mình cứ canh cánh trong lòng...”, ông Dũng tặc lưỡi.

Những phần quà Trung thu được ông Nguyễn Thanh Dũng và bà Bùi Thị A trao tận tay con em người lao động. Ảnh: Nguyễn Linh

Bà Bùi Thị A, vợ ông Dũng, đứng bên cạnh, nghe chồng kể liền tiếp lời: “Tính ông ấy là vậy, thích lo chuyện cho mọi người, muốn mọi thứ chu toàn nên khi không giúp được như đã hứa thì dù là việc nhỏ cũng áy náy mãi không thôi”.

Nghe bà Bùi Thị A “mắng” chồng thích lo chuyện bao đồng, chị Dương Thị Mai, 40 tuổi, người lao động tạm trú tại Tổ tự quản của ông Dũng đang có mặt cũng góp chuyện.

“Chị A nói vậy thôi, chứ chị còn bao đồng hơn cả anh Dũng. Nhiều năm nay, chị A luôn hết lòng, đồng hành cùng chồng mình trong việc giúp đỡ những công nhân, người lao động ở xung quanh như chúng tôi mỗi khi gặp khó khăn”, chị Mai kể.

“Hai vợ chồng đều lớn tuổi, dù có lương hưu nhưng cũng phải tiết kiệm chi tiêu chứ không dư dả gì. Tuy vậy, mỗi khi nhìn các cháu nhỏ hay những người công nhân trong khu nhà trọ gặp khó khăn là chúng tôi ăn ngủ không yên, phải làm gì đó thì mới thỏa lòng...”- bà A nói, mắt ánh lên chút tự hào khi nhắc đến chồng mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn