MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cây caosu kém hiệu quả, gần 500 công nhân phải rời bỏ công ty tìm việc

TRẦN TUẤN LDO | 13/03/2019 13:00

Với lý do 840ha đã trồng caosu kém hiệu quả, năng suất thấp, Công ty TNHH MTV Caosu Hương Khê - Hà Tĩnh đã có văn bản gửi cơ quan chức năng xin được chuyển số diện tích này sang trồng keo nguyên liệu. Chung tình cảnh, ở Công ty caosu Hà Tĩnh cũng đang tái cơ cấu theo hướng giảm diện tích trồng caosu.

Hàng trăm công nhân rời công ty

Ngày 6.3, UBND huyện Hương Khê đã có văn bản gửi Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh xung quanh nội dung Công ty TNHH MTV caosu Hương Khê - Hà Tĩnh đề nghị xin chuyển đổi 530ha caosu nằm trên địa bàn 7 xã cả huyện Hương Khê (cả diện tích caosu xin chuyển ở huyện Vũ Quang là 840ha) sang trồng keo nguyên liệu.

Theo đó, sau khi khảo sát, đã có 6/7 xã đồng ý, chỉ có xã Hương Thủy kiến nghị nếu trồng keo nguyên liệu thì giao cho người dân để sản xuất phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân gần rừng có đất để sản xuất. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hương Khê báo cáo để UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh xem xét, hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV caosu Hương Khê - Hà Tĩnh quản lý, sử dụng đất thuộc quyền quản lý theo đúng quy định.

Văn bản của UBND huyện Hương Khê báo cáo về việc Công ty TNHH MTV Caosu Hương Khê - Hà Tĩnh xin chuyển đổi hàng trăm hécta caosu sang trồng keo. Ảnh: TRẦN TUẤN

Trước đó, tháng 9.2017, Công ty TNHH MTV caosu Hương Khê - Hà Tĩnh đã có tờ trình số 575 gửi Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam về việc đề nghị phê duyệt “Dự án đầu tư trồng 840ha keo nguyên liệu tại huyện Hương Khê và huyện Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh”, thời gian trồng là một chu kỳ. Nguyên nhân xin chuyển đổi trồng keo được trình bày do diện tích nói trên đã trồng caosu từ năm 2008 - 2015 nhưng do bị thiệt hại của các đợt rét đậm, rét hại, nắng hạn và mưa bão nên mật độ cây còn lại thấp, chất lượng kém.

Đến tháng 12.2017, Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam đã có văn bản chấp thuận kiến nghị nêu trên với tiến độ thực hiện được giao: Năm 2017 trồng 300ha, năm 2018 trồng 300ha, năm 2019 trồng 340ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định kế hoạch về tiến độ trồng keo đó xem như đã “phá sản”. Bởi đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc cho phép chuyển đổi.

Còn ở Công ty Caosu Hà Tĩnh, thời gian qua đơn vị này đã trồng 500ha keo ở địa hình đồi dốc, trồng caosu kém hiệu quả. Theo đại diện công ty này, hiện nay đơn vị đang quản lý 3.500ha caosu trên đất Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, trước khó khăn của ngành caosu hiện nay, đơn vị đang tính sẽ sử dụng 500ha vào việc trồng cây khác, giảm diện tích caosu theo đề án đến năm 2030 còn lại dưới 3.000ha. Được biết, thời gian qua, đơn vị này đã trồng 10ha nghệ, 20ha sắn dây để thí điểm, nếu hiệu quả có thể tăng diện tích lên. Cũng vì khó khăn, từ hơn 1.000 công nhân của công ty vào năm 2015, đến nay đã có gần 500 người rời bỏ công ty đi kiếm việc khác.

Trăn trở vì công nhân quá khó khăn

Ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - cho biết, tại hội nghị đại biểu người lao động của Công ty Caosu Hà Tĩnh tổ chức ngày 2.3 vừa qua, ông đã phát biểu đầy trăn trở với cuộc sống khó khăn của người công nhân caosu Hà Tĩnh hiện nay. “Hôm đó, theo báo cáo của đồng chí Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn caosu Việt Nam, caosu ở Phú Riềng, ở các tỉnh Đông Nam Bộ cho năng suất bình quân là 1,8 - 1,9 tấn mủ/ha.

Trong khi theo báo cáo của Công ty caosu Hà Tĩnh thì hiện nay kinh doanh thua lỗ, năng suất rất thấp, chỉ đạt 668kg mủ/ha. Đã năng suất thấp rồi còn thường bị thiệt hại, đổ gãy do mưa bão. Do vậy, tôi đã phát biểu với kiến nghị công ty caosu nên khảo nghiệm trồng một số loại cây khác để có đánh giá xem trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao nhất, từ đó cần đặt ra vấn đề có nên tiếp tục phát triển cây caosu nữa không. Cần phải lựa chọn trồng cây gì để có hiệu quả cao nhất, từ đó mới đảm bảo được thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Khi đó họ mới gắn bó lâu dài với công ty được. Nếu không, họ sẽ rời bỏ công ty đi tìm việc khác” - ông Huấn chia sẻ.

Cũng theo ông Huấn, vấn đề có nên phát triển thêm diện tích caosu trên địa bàn Hà Tĩnh nữa hay không đã được nhiều đại biểu chất vấn tại một số kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Ở huyện Hương Khê, qua những lần tiếp xúc cử tri cũng đã có ý kiến đặt ra, hiện nay một số diện tích trồng caosu trên địa bàn huyện kém hiệu quả, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan rà soát để UBND huyện chỉ đạo giao cho người dân sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn