MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Huỳnh Hữu Phúc (người đứng) hướng dẫn công tác kỹ thuật cho các điều hành viên trạm 220kV Tao Đàn thuộc Truyền tải điện TPHCM. Ảnh: HẢI YẾN

Cây sáng kiến của ngành truyền tải điện

HẢI YẾN - NAM DƯƠNG LDO | 01/09/2019 12:00

Ở Công ty Truyền tải Điện 4, mọi người thường đùa vui gọi kỹ sư Huỳnh Hữu Phúc (sinh năm 1968) - Phó Phụ trách phòng Kỹ thuật - là cây sáng kiến. Tên gọi này xuất phát từ những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đóng góp một cách thiết thực, hiệu quả của anh Phúc cho công ty cũng như ngành truyền tải điện.

Bảo đảm an toàn truyền tải điện

Công ty Truyền tải điện 4 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện cho 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó có nhiều tỉnh, thành thuộc khu vực trọng điểm kinh tế, nên khối lượng công việc nhiều và khó khăn cũng không ít. 27 năm làm việc, gắn bó cùng công ty, anh Phúc đã có hơn chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần bảo đảm an toàn truyền tải điện cũng như khắc phục nhanh chóng những sự cố để kịp thời đưa dòng điện đến với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đơn cử như “Phương án tối ưu phục vụ công tác xử lý sự cố đường cáp ngầm 220kV Nhà Bè - Tao Đàn tại hộp nối JP1 pha C”. Nhớ về sáng kiến này, anh Phúc kể: Lúc đầu, có ý kiến cần xử lý sự cố theo phương án bằng cách xây một hầm nối phụ gần khu vực hầm nối JP1 hiện hữu, kích thước khoảng 1,8m x 8m và dùng đoạn cáp 220kV dài khoảng 50-60m để nối cáp. Tuy nhiên, phương án này cần thời gian dài khoảng 60-75 ngày, chi phí xây dựng hầm nối phụ cao, lại gây cản trở giao thông tại khu vực thi công. Sau nhiều cân nhắc, anh Phúc đề xuất phương án dùng sợi cáp khác dài hơn để thay thế nhưng không cần phải xây dựng hầm phụ, đặc biệt thời gian thi công chỉ còn 10 ngày, ít gây cản trở giao thông tại nơi thi công. Phương án này được chấp thuận, tiết kiệm cho công ty khoảng 1 tỉ đồng.

Hay như sáng kiến “Thống kê, đánh giá số liệu để xác định quy luật sự cố do sét từ năm 2013 - 2016 nhằm có giải pháp phù hợp ngăn ngừa sự cố do sét đối với đường dây truyền tải”. Sáng kiến này đã góp phần ngăn ngừa và giảm 76,2% sự cố sét cho các đường dây 220kV, 500kV so với cùng kỳ, giảm thiểu các chi phí xử lý sự cố. Đặc biệt, sáng kiến làm giảm thời gian mất điện cho các phụ tải và giúp công ty tiết kiệm 1,6 tỉ đồng/năm.

Có thể kể thêm sáng kiến “Dùng máy ảnh lập sổ theo dõi thi công công trình lắp mới MBA AT1 tại trạm 500kV Mỹ Tho do Ban Quản lý dự án công trình điện Miền Nam làm quản lý dự án”. Sáng kiến này cập nhật được quá trình thi công, tiết kiệm chi phí, phát hiện và kiến nghị xử lý dứt điểm các hỏng hóc, khiếm khuyết trong thời gian lắp đặt, giúp Cty không tốn các chi phí và tiết kiệm về sau. Đặc biệt, các hình ảnh trong quá trình lắp đặt được lưu giữ lâu dài giúp đơn vị bảo trì, bảo dưỡng nắm rõ đặc tính kỹ thuật của thiết bị, trình tự thi công lắp đặt, các hỏng hóc trên thiết bị phục vụ công tác quản lý vận hành, bảo dưỡng thiết bị khi đưa vào sử dụng sau này…

Gắn bó với thực tế

Là người phụ trách Phòng Kỹ thuật, nhưng anh Phúc không chỉ “ngồi bàn giấy” mà thường xuyên bám sát với thực tế các công trình. Anh Phúc chia sẻ về những vất vả xử lý sự cố các công trình: “Nhiều lần, vừa bưng bát cơm lên, nghe có sự cố là tôi phải đi ngay đến hiện trường. Nửa đêm, nhận được điện thoại của anh em, tôi phải bật dậy hướng dẫn cách xử lý, hoặc có mặt để xử lý trong thời gian sớm nhất”.

Ông Bùi Quang Thành - Chủ tịch Công đoàn Công ty Truyền tải Điện 4 - nhận xét: 27 năm trong nghề, anh Phúc đã có 15 sáng kiến góp phần quan trọng giúp hệ thống lưới điện truyền tải do Cty quản lý vận hành ổn định. Không chỉ là một kỹ sư giỏi, anh Phúc còn là tấm gương hiếu học và cũng rất tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho thợ trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn