MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải

CĐ Dệt may Việt Nam cần quan tâm đến những yếu tố tác động người lao động

Kiều Vũ LDO | 16/06/2021 20:38

Đánh giá về hoạt động nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam (giai đoạn 2018-2023) của Công đoàn Dệt may Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang đề nghị cần chú trọng một số vấn đề, trong đó cần quan tâm đến những yếu tố tác động người lao động như dịch bệnh, chiến tranh thương mại, cách mạng 4.0.

Sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam (giai đoạn 2018-2023), Công đoàn Dệt may Việt Nam có một số đề xuất, kiến nghị, cụ thể:

Đề nghị tiếp tục thực hiện mô hình Công đoàn Dệt may Việt Nam là Công đoàn ngành Trung ương, cho phép Công đoàn Dệt may Việt Nam hình thành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là các công đoàn tổng công ty có từ 5.000 lao động trở lên và có trên 5 công đoàn cơ sở thành viên.

Tiếp tục phân cấp cho công đoàn ngành trong việc tuyển dụng, miễn rằng việc tuyển dụng đáp ứng các tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình,… theo quy định của Tổng LĐLĐVN.

Nâng tỷ lệ khen thưởng, mức thưởng đối với các tập thể, cá nhân để đảm bảo khích lệ và lan tỏa được những điển hình tiên tiến; Cần tăng cường các hoạt động chăm lo đối với công nhân những ngành đông lao động; quan tâm xây dựng chính sách (tuổi nghỉ hưu, nghề nặng nhọc độc hại, chính sách nữ).

Sau ký kết các chương trình phúc lợi đoàn viên, Tổng liên đoàn cần theo dõi, giám sát việc thực hiện của các đối tác để người lao động được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi.

Miễn nộp đoàn phí, kinh phí Công đoàn đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tạo điều kiện cho Công đoàn Dệt May Việt Nam và Công đoàn cơ sở trực thuộc được giữ lại phần kinh phí tiết giảm để chăm lo cho người lao động...

This browser does not support the video element.

Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Công đoàn Dệt may Việt Nam tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả các mảng công tác, đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết và chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ.

Một trong những nội dung tập trung là tham gia xây dựng và vận động chính sách, cải thiện điều kiện làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; phổ biến chính sách, pháp luật về lao động và Công đoàn. Nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện Thoả ước lao động tập thể. Tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Phối hợp với chuyên môn cải thiện việc làm, đời sống người lao động; duy trì hiệu quả các hoạt động Tháng Công nhân, Tết Sum vầy; tìm kiếm các đối tác để đem lại cho người lao động các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, chất lượng, giá ưu đãi; duy trì, bổ sung, trang cấp cho các thiết chế cơ sở trong toàn hệ thống để gia tăng phúc lợi cho NLĐ; nắm bắt và chia sẻ, hỗ trợ kịp thời với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Phối hợp với Tập đoàn tổ chức Hội thi thợ giỏi, Ngày hội Lao động sáng tạo. Sơ, tổng kết các phong trào, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu và nhân rộng các điển hình tiên tiến…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang ghi nhận và đánh giá cao kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Đại hội V Công đoàn Dệt may Việt Nam (giai đoạn 2018-2023) của Công đoàn Dệt may Việt Nam.

Theo đánh giá, Công đoàn Dệt may Việt Nam là đơn vị có truyền thống thực hiện các nội dung Nghị quyết, chủ trương của Tổng Liên đoàn tương đối nề nếp; có hệ thống các chỉ tiêu tương đối đầy đủ, phong phú và quá trình thực hiện có đánh giá từng chỉ tiêu, thể hiện sự nghiêm túc. Đối với các chỉ tiêu về lượng đặt ra theo Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam Công đoàn Dệt may Việt Nam đều đạt, thậm chí đạt cao và đã có đổi mới hoạt động chăm lo cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt may Việt Nam triển khai một số mô hình tốt như Thoả ước lao động tập thể ngành.

Thời gian nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị Công đoàn Dệt may Việt Nam chú ý quan tâm đến ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0; dịch bệnh, chiến tranh thương mại… đến đời sống, việc làm của NLĐ ngành Dệt may; tập trung các chỉ tiêu, chương trình đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đại hội V Công đoàn Dệt may Việt Nam với sự phấn đấu cao nhất để quyết liệt thực hiện; thực hiện các chương trình của Tổng Liên đoàn về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị…

Đối với mô hình tổ chức mà Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị thì Công đoàn Dệt may Việt Nam cần nghiên cứu, đánh giá, làm rõ những nội dung liên quan; xây dựng nội dung phối hợp với cơ quan chuyên môn, Đảng uỷ trong công tác và đặc biệt là công tác cán bộ; tác động của Thoả ước lao động tập thể ngành; tuyên truyền, giáo dục kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn