MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy Phạm Ngọc Lâm - giáo viên Toán - Lý, Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) - đánh giá cao mô hình “Lớp học đảo ngược” đang áp dụng. Ảnh: X.T

CĐ Giáo dục Việt Nam: Phong trào đổi mới dạy và học

XUÂN TRƯỜNG LDO | 31/05/2017 06:43
Theo TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - từ khi Bộ trưởng Bộ GDĐT phát động thi đua trong toàn ngành với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” vào đầu năm học 2016 - 2017, CĐ Giáo dục VN đã phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo tuyên truyền về trách nhiệm đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) trong các cơ sở giáo dục, các trường học. 
Qua đó, phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã lan tỏa trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc.

Đổi mới từ mỗi giáo viên

Một trong những giảng viên có nhiều sáng tạo là PGS-TS Ngô Tử Thành (Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) với phương pháp dạy học đảo ngược. Theo PGS-TS Ngô Tử Thành, theo mô hình giáo dục truyền thống, sinh viên (SV) đến lớp nghe giảng, về nhà làm bài tập và tất cả SV trong một lớp phải tuân theo lịch học chung. Tuy nhiên, khai thác công nghệ thông tin truyền thông (ICT), giảng viên có thể thu video clip bài giảng gửi cho SV. SV tự học ở nhà qua video clip hoặc e-learning, tìm hiểu bài giảng qua phương tiện nghe nhìn; trong thời gian đến lớp thay vì nghe giảng viên giảng bài, SV sẽ thảo luận, làm các bài tập khó theo hướng dẫn của giảng viên. 

Theo đánh giá của nhiều giảng viên và SV, đây là phương pháp dạy và học mới, tạo được tâm thế chủ động trong học tập cho SV; giúp SV học tập đạt chất lượng cao hơn. Ngoài thời gian trên lớp, qua video clip, lúc nào SV cần, ở bất cứ nơi nào cũng học được bài giảng của giảng viên.

Bên cạnh những cá nhân, nhiều nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” được hình thành ở các nhà trường để hỗ trợ lẫn nhau cũng đã tạo được nhiều đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” thuộc lĩnh vực toán học của Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên với giải pháp “Tăng cường năng lực công bố quốc tế” để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giúp người thầy làm chủ kiến thức trong giảng dạy và hướng dẫn khoa học.

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng nhóm (gồm 20 thành viên) này - cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, công bố quốc tế là một trong những chỉ số quan trọng nhất cho biết giảng viên đó có tiếp cận và cập nhật những xu thế mới và quan trọng trong ngành của khoa học thế giới hay không; có đủ năng lực để tương tác với các đồng nghiệp quốc tế thông qua ngôn ngữ khoa học hay không? 

Với sự say mê công việc và tích cực giúp đỡ nhau, trong năm học 2016-2017, đã có 5 thành viên của nhóm đi hợp tác nghiên cứu, học tập tại Nhật Bản, Đức và một số nước khác; nhóm đã triển khai 1 đề tài do Quỹ Nafosted tài trợ, 2 đề tài khoa học và công nghệ (KHCN) cấp Bộ, 10 đề tài KHCN cấp Đại học Thái Nguyên; từ năm 2010 đến nay có 34 bài báo được đăng trên Tạp chí ISI/Scopus; 4 công trình được thưởng công trình toán học năm 2016 của Chương trình Trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020.

Giảng viên có uy tín, say mê nghiên cứu khoa học là tấm gương, là nguồn cảm hứng sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học cho SV. “Dưới sự dẫn dắt của thầy cô, đã có nhiều SV của trường đoạt giải thưởng SV nghiên cứu khoa học toàn quốc; nhiều học viên đã có những sáng kiến kinh nghiệm đặc sắc phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn” - PGS-TS Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ.

Cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn

Để các đơn vị triển khai, thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, kinh nghiệm của CĐ Giáo dục Hà Nội và CĐ Giáo dục Nghệ An là CĐ các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Kỷ - Chủ tịch CĐ Giáo dục Nghệ An - cho biết, 100% CĐCS đã phối hợp với chuyên môn tổ chức phát động, triển khai các nội dung thi đua năm học 2016-2017 theo kế hoạch của Sở GDĐT và CĐ Giáo dục Nghệ An đến cán bộ quản lý, NGNLĐ, các tập thể và cá nhân ngay từ đầu năm học 2016-2017; đồng thời cụ thể hóa nội dung thi đua thành những tiêu chí cụ thể phù hợp với đơn vị. Các CĐCS đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, NGNLĐ và các tập thể đăng ký thi đua trong năm học 2016-2017; kết quả, đã có 13.139 giải pháp, trong đó các cá nhân có 12.263 giải pháp, nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển” có 876 giải pháp. Một số giải pháp đổi mới đã và đang thực hiện đạt hiệu quả.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, bà Trần Thu Hà - Chủ tịch CĐ Giáo dục Hà Nội - cho hay, ngay từ đầu năm học 2016-2017, CĐ Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với Sở GDĐT TP.Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai phong trào thi đua năm học 2016-2017 với chủ đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” hướng tới tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” giai đoạn 2007-2017; thành lập Ban Chỉ đạo ngành và thường xuyên kiểm tra, giám sát, tọa đàm rút kinh nghiệm việc thực hiện phong trào. 

Đặc biệt, CĐ Giáo dục Hà Nội đã phối hợp với Sở GDĐT TP.Hà Nội triển khai giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” năm học 2016-2017; qua đó sẽ lựa chọn tôn vinh 50 nhà giáo đoạt giải thưởng (mỗi giải 10 triệu đồng) và trao quà, chứng nhận cho 50 nhà giáo được vào vòng Chung khảo (mỗi nhà giáo một phần quà và 2 triệu đồng). Giải thưởng được xây dựng với mục đích khẳng định, tôn vinh những nhà giáo Hà Nội có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” của toàn ngành từ năm học 2016-2017.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn