MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa (bìa trái) và Chủ tịch CĐ Giáo dục VN (bìa phải) trao quà của Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng các nhà giáo tiêu biểu năm 2017. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

CĐ Giáo dục Việt Nam: Vì lợi ích, năng lực nghề nghiệp nhà giáo

XUÂN TRƯỜNG LDO | 19/04/2018 09:17
Từ năm 2013 đến nay, CĐ Giáo dục VN luôn chỉ đạo các cấp CĐ Giáo dục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIV CĐ Giáo dục VN. Theo đó, các cấp CĐ Giáo dục đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu đã đề ra cho nhiệm kỳ 2013 - 2018. Trong đó, nổi bật là đã triển khai, thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như nâng cao trình độ năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo, người lao động (NGNLĐ).

Tích cực chăm lo bảo vệ quyền lợi NGNLĐ

Theo TS Vũ Minh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ Giáo dục VN - trong nhiệm kỳ 2013-2018, CĐ Giáo dục VN đã chỉ đạo CĐ Giáo dục các cấp, trực tiếp là các đơn vị trực thuộc phối hợp với chuyên môn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách và nâng cao thu nhập, phúc lợi cho cán bộ, NGNLĐ. CĐ Giáo dục VN đã đổi mới hình thức triển khai cuộc vận động theo phương châm tập trung nguồn lực, giải quyết dứt điểm một số khó khăn tồn đọng lâu dài ở cơ sở.

Kết quả vận động, quyên góp trong 5 năm qua đạt trên 700 tỉ đồng; từ nguồn vận động quyên góp và đầu tư đã xây dựng được 1.687 nhà công vụ giáo viên và hỗ trợ cán bộ, NGNLĐ khó khăn, thiên tai, rủi ro ở nhiều địa phương. CĐ các đơn vị đã chủ động phối hợp huy động nguồn lực thăm hỏi, giúp đỡ cán bộ, NGNLĐ khi ốm đau, tai nạn rủi ro.

Tiêu biểu như Trường Đại học Kỹ thuật Hưng Yên hỗ trợ đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo 70 triệu đồng/người, hỗ trợ đoàn viên ốm đau 15 triệu đồng/người. CĐ Giáo dục VN còn ký kết với 5 đơn vị, DN để cán bộ, NGNLĐ trong toàn ngành được hưởng chính sách ưu đãi, giảm giá khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các DN.

Đặc biệt, khi nhân phẩm, danh dự nhà giáo (trường hợp cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung - giáo viên lớp 4.3, Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bị vi phạm, CĐ Giáo dục VN đã kịp thời có công văn gửi LĐLĐ tỉnh, Sở GDĐT tỉnh, CĐ Giáo dục tỉnh, LĐLĐ huyện Bến Lức; Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nhựt Chánh đề nghị làm rõ vụ việc và có giải pháp xử lý cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trước việc hơn 500 giáo viên dạy hợp đồng ở tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ rời bục giảng, không được làm công việc đã gắn bó hàng chục năm nay, CĐ Giáo dục VN đã kịp thời lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của các thầy cô giáo.

Phối hợp nâng cao năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo

TS Vũ Minh Đức cho hay, xác định nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2013-2018 là phối hợp với chính quyền trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, NGNLĐ đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục VN, CĐ Giáo dục VN đã chỉ đạo CĐ Giáo dục các cấp tích cực, chủ động tham gia các hoạt động chuyên môn, tăng cường năng lực nghề nghiệp, năng lực quản lý cho cán bộ, NGNLĐ.

CĐ nhiều đơn vị đã phối hợp với chuyên môn tham mưu, đề xuất với chính quyền địa phương, lãnh đạo đơn vị có chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên, đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài. Điển hình như Đại học Quốc gia Hà Nội có gần 8.000 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn trong nước, 400 lượt cán bộ đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài; Đại học Thái Nguyên có 822 cán bộ đi học tập nâng cao trình độ; Trường Đại học Tây Bắc có 92 lượt giảng viên tham gia đào tạo nghiên cứu sinh, 162 giảng viên tham gia đào tạo thạc sĩ.

Cũng theo TS Vũ Minh Đức, trong 5 năm qua đã có hàng vạn nhà giáo ở các cấp học tham gia các hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi; kết quả có trên 100.000 lượt nhà giáo đạt giáo viên, giảng viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp. Từ năm học 2016-2017, CĐ Giáo dục VN phối hợp với Bộ GDĐT triển khai đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Sau gần 2 năm triển khai, phong trào trở thành nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo, hàng trăm nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển được thành lập và hoạt động tích cực; gần 600.000 sản phẩm đổi mới là những giải pháp được áp dụng hiệu quả trong quản lý, giảng dạy và công tác. Nhiều mô hình tiêu biểu, điển hình được giới thiệu và nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới công tác quản lý. “Hầu hết giáo viên, giảng viên đã đầu tư sâu vào chuyên môn, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Nhiều tấm gương nhà giáo không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng phương pháp mới vào giảng dạy và tăng cường các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn. Tháng 10.2017, 160 nhà giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được Bộ GDĐT và CĐ Giáo dục VN biểu dương, khen thưởng” - TS Vũ Minh Đức cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn