MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc xe hàng bán nước là thứ duy nhất giúp bà Nguyễn Thị Hoài kiếm ra tiền phụ các con trang trải cuộc sống ở đất Hà Thành. Ảnh: Trang Hân

Cha mẹ của công nhân khu công nghiệp: Vì con, vì cháu nên phải cố gắng

Thu Trang - Bảo Hân LDO | 05/08/2020 15:00

Chuyện nhiều cha mẹ có con làm công nhân khu công nghiệp phải từ quê lên ở cùng để trông cháu giúp đã không còn là điều xa lạ. Mỗi người một hoàn cảnh, song ai cũng chỉ mong hỗ trợ được con, cháu của mình ổn định hơn.

Chấp nhận chịu cực để con đỡ tốn tiền

Dù phòng trọ khá nóng bức, nhưng bà An (trọ tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn không bật điều hoà nhiệt độ vì ngại tốn tiền của các con. “Chỉ lúc trưa cho cháu ngủ và lúc tối cả nhà ngủ là bật điều hoà thôi, còn chỉ bật quạt là đủ rồi”- bà An vừa nói vừa lấy tay lau mồ hôi lấm tấm trên trán. 

Bà An quê ở Định Hoá, Thái Nguyên. Vợ chồng con trai bà cùng xuống Khu Công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) xin làm công nhân và sinh con. Cả hai đứa cháu ra đời đều do bà An chăm sóc, trông nom. “Tôi không muốn lên đây một chút nào. Trên quê, vườn tược rộng rãi, nuôi con lợn, con gà, bao nhiêu việc để làm. Ở đây, phòng trọ chật chội, lại chẳng có hàng xóm láng giềng để nói chuyện, nhưng vì con, vì cháu nên tôi cố gắng” - bà An cho biết. 

Hiện tại, bà An đang trông đứa cháu thứ hai mới được 8 tháng tuổi, còn cháu lớn đã gửi về quê cho ông nội trông. Cả ngày của bà An chỉ quanh quẩn việc trông cháu, nấu cháo, pha sữa, đi chợ rồi nấu ăn… Bà An dự kiến sẽ phải ở đây trông cháu 1 năm nữa, khi cháu cứng cáp rồi thì bà mới yên tâm. Bà vẫn chưa biết các con mình quyết định thế nào, có gửi về quê như đứa đầu không, hay là sẽ cho học ở KCN này.

Buổi tối, hai vợ chồng con ngủ trên giường, còn bà An trải tạm cái chiếu, nằm ở giữa phòng. Phòng trọ này rộng hơn so với nhiều phòng trọ khác, nên nằm thoải mái hơn, nhưng bà An bảo nhiều điều khá bất tiện. Biết vậy, song bà và các con đành phải chịu, bởi không thể thuê thêm một phòng khác nữa.

“Tôi muốn về quê lắm rồi, nhưng vì con cháu nên đành chấp nhận một thời gian nữa” - bà An chép miệng. Nhiều lúc sốt ruột không biết ở quê vườn tược, con gà... được chăm sóc thế nào, nên mỗi tháng, tranh thủ một ngày thứ 7 khi các con được nghỉ ở nhà, bà bắt xe về quê, chiều chủ nhật lại lên trông cháu…

Bán nước để phụ con cháu

Cũng cùng cảnh dưới quê lên trông cháu để các con đi làm, bà Nguyễn Thị Hoài (58 tuổi, quê Thái Bình) tâm sự, cuộc sống mỗi lúc một khó khăn, bà chỉ mong hỗ trợ được phần nào giúp các con ổn định.

Con trai và con dâu của bà Hoài đều sinh năm 1991. Hai người là công nhân trong KCN Thăng Long, đang thuê trọ ở thôn Nhuế, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Có hai con, nhưng công việc và cuộc sống còn khó khăn nên hai vợ chồng phải nhờ tới sự hỗ trợ của bà Hoài. 

Ngày bà Hoài ở quê lên đây, hai vợ chồng thuê thêm một phòng trọ nữa đối diện với phòng trọ đang ở. Một tháng, tổng tiền phòng và điện nước phải trả gần 2 triệu đồng. Tính ra, bà Hoài cũng đã sống ở đất Hà Thành hơn một năm. Cả khu trọ chỉ vẻn vẹn 5 phòng, ban ngày các công nhân đi làm hết, chỉ có bà Hoài và hai đứa cháu nội quanh quẩn ở đây. Bà Hoài thương cháu vô cùng bởi điều kiện sống trọ thiếu thốn, chẳng được như ở quê để bà có thể nuôi cháu tốt hơn. 

“Đứa đầu 6 tuổi thì bố mẹ cháu cho đi học, mất 80.000 đồng/buổi. Tôi chỉ biết trông nom, lo ăn uống, tắm giặt cho hai đứa, chứ không thể dạy học được” - bà Hoài nói. 

Đã có lần bà Hoài nói chuyện với hai con để đưa các cháu về quê ở cho ông bà tiện chăm sóc, mà điều kiện sống cũng thoải mái hơn cảnh đi ở trọ như thế này. Nhưng rồi các con không đồng ý nên bà Hoài chấp nhận lên đây ở và trông cháu. 

Cứ ở phòng trọ mãi vừa bí bách lại vừa không kiếm được ra tiền, bà Hoài bảo các con cố gắng sắm cho một cái xe hàng đi bán nước ở đầu cầu chui số 4 Cổ Nhuế. Thế rồi, chiều tối, khi các con đi làm về, cả nhà ăn cơm xong xuôi, bà Hoài lại đẩy xe hàng đi bán nước. Hôm nào ít khách thì 22h, đông hơn thì 23h bà Hoài mới về.

“Tôi cứ túc tắc thế, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục đến trăm nghìn đồng phụ các con tiền ăn. Điều tôi mong mỏi nhất vẫn là con cháu khoẻ mạnh, cuộc sống được ổn định” - bà Hoài chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn