MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Hiền - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt (Hà Nam) thuộc Công ty Dệt 19.5 vừa gửi đơn khởi kiện lãnh đạo công ty vì nợ BHXH kéo dài. Ảnh: Hà Anh

Chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT diễn biến phức tạp

Hà Anh LDO | 16/05/2024 08:46

Thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT của người lao động. Một trong những nguyên nhân do pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về hành vi chậm đóng, trốn đóng làm cơ sở áp dụng biện pháp xử lý, chế tài tương ứng.

Khó khăn trong áp dụng biện pháp xử lý

Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.

Theo Vụ Pháp chế, BHXH Việt Nam, cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, việc này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự.

Vì vậy, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt VPHC.

Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt VPHC cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định...

Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng BHXH nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên.

Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.

Tuy nhiên, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.

Thực tiễn triển khai, cơ quan BHXH không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp…

Người lao động mỏi mòn đi đòi quyền lợi

Thời gian qua, Báo Lao Động đã liên tục có bài viết về việc Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội (Công ty Dệt 19.5) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của NLĐ kéo dài, với số tiền gần 14 tỉ đồng.

Ngày 3.5 vừa qua, bà Lê Thị Hiền - nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Dệt (Hà Nam) thuộc Công ty Dệt 19.5 - đã chính thức gửi đơn khởi kiện lãnh đạo công ty là ông Đỗ Văn Minh ra Tòa án Nhân dân quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Lê Thị Hiền thông tin: “Công ty Dệt 19.5 nợ BHXH của NLĐ (NLĐ) kéo dài với số tiền gần 14 tỉ đồng, chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam nhưng không có tiến triển, đời sống, việc làm của lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, ngày 28.12.2023, chúng tôi nhận được thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Duy Tiên đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có dấu hiệu trốn đóng BHXH cho NLĐ, theo quy định tại Khoản 1, Điều 157, Bộ luật Tố tụng Hình sự (không có sự việc phạm tội). Sau khi nhận được thông tin trên, chúng tôi rất “sốc” và tuyệt vọng”.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 30.4, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 17.048 tỉ đồng. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của NLĐ tại các doanh nghiệp này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn