MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM (người đứng) - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nam Dương

Chăm lo, bảo vệ người lao động để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn

Nam Dương LDO | 24/11/2023 10:18

TPHCM - Cán bộ công đoàn (CĐ) phải gần gũi, thấu hiểu, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) để nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn.

Gần 100 cán bộ công đoàn của TPHCM đã tham dự Toạ đàm “Nâng cao vai trò đại diện của tổ chức công đoàn tại cơ sở trong tình hình mới”, do LĐLĐ TPHCM tổ chức sáng 24.11.

Theo đại diện Ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ TPHCM, thời gian qua, tổ chức CĐ TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp, hình thức, nội dung đổi mới để thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và theo các cam kết trong các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và theo Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời gian tới sẽ có sự xuất hiện của tổ chức đại diện NLĐ ở cơ sở ngoài tổ chức CĐ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi tổ chức CĐ Việt Nam nói chung và CĐ TPHCM nói riêng phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thật rõ nét, phát huy mạnh mẽ khả năng tư duy, sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đoàn viên CĐ, CNVCLĐ.

Các cán bộ công đoàn tham gia toạ đàm. Ảnh: Nam Dương

Theo ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức – cán bộ CĐ phải thực sự là đồng chí, đồng nghiệp, người bạn gần gũi thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của đoàn viên, NLĐ để kịp thời chăm lo, hỗ trợ họ, qua đó tạo được sự gắn kết, tin tưởng của đoàn viên, NLĐ với tổ chức CĐ.

Luật gia Dương Văn Thuận – Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM – cho rằng, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ trong các tranh chấp lao động đóng một vai trò quan trọng, tạo được niềm tin của NLĐ đối với cán bộ CĐ. Do đó, cán bộ CĐ cần nắm vững các quy định về pháp luật lao động, quy định về tố tụng, kỹ năng giải quyết vụ án để bảo vệ được NLĐ tại tòa án. Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan chức năng cần tăng cường đào tạo cho cán bộ CĐ, nhất là tại cơ sở có trình độ cử nhân luật và nghiệp vụ luật sư để họ có kiến thức, kỹ năng bảo vệ NLĐ.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa – Trường Đại học Tôn Đức Thắng – đối thoại và thương lượng tập thể có một vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Tuy nhiên, một số nơi, doanh nghiệp, cán bộ CĐ thường xuyên biến động, chưa được đào tạo chuyên sâu về thương lượng tập thể, nên kỹ năng thương lượng tập thể chưa thành thạo. Ngoài ra, một số nơi, cán bộ CĐ chưa thể hiện được bản lĩnh, vai trò của mình đối với NSDLĐ.

“CĐ cần phải xem nhiệm vụ đối thoại và thương lượng tập thể với NSDLĐ là nhiệm vụ quan trọng nhất, cấp bách nhất, là mặt trận hàng đầu cần thực hiện hiệu quả để thu hút, duy trì số lượng đoàn viên trong những năm tới”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đại diện LĐLĐ TP Thủ Đức cùng lực lượng quân đội, công an TP Thủ Đức đến nhà trọ tặng quà cho công nhân, người lao động trong đợt dịch COVID-19 bùng phát tại TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho rằng, tổ chức CĐ Việt Nam đang đứng trước những thời cơ nhưng cũng có nhiều thách thức chưa có tiền lệ khi có tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp ra đời, hoạt động song song với tổ chức CĐCS.

Điều này đòi hỏi các cán bộ CĐ, nhất là ở cơ sở càng phải nỗ lực nhiều hơn để khẳng định vai trò, vị trí của mình. Do đó cần phải tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ CĐ tại cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn